00:00 Số lượt truy cập: 3082965

Giá lúa bảo hiểm 3.800 đồng/kg - Cao hay thấp? 

Được đăng : 03/11/2016
Việc các DN đang đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân ĐBSCL với mức 3.800đ/kg (giá bảo hiểm để nông dân đảm bảo có lãi) đang bị người dân phản ứng, cho rằng với chi phí công cắt lúa cao như hiện nay thì mức giá này không đủ giá thành. Nhưng các nhà quản lý và khoa học lại chứng minh ngược lại. Vậy ai đúng?

30% lợi nhuận: Người được kẻ không 

Chưa có năm nào chênh lệch giá lúa lại cao như vụ HT này. Qua điện thoại trực tiếp với người dân, chỗ này bảo bán được 4.000 đ/kg, chỗ kia bảo bán được những 4.100 đ/kg, nhưng cũng có những chỗ bảo chỉ bán được 3.500 - 3.600 đ/kg, thậm chí có người dân chỉ bán được 3.000 đ/kg.

Phải bấm bụng trả cước điện thoại để có thể phỏng vấn cặn kẽ nào là bán vào ngày nào, lúa khô hay lúa ướt, xung quanh lối xóm có nhiều người bán không, nhà ở trong ngọn hay ngoài lộ…chúng tôi mới có thể kết luận rằng giá lúa hạt dài tại kho ngày hôm qua (19/8) ở mức 4.000 đ/kg quy chuẩn độ ẩm 14%. Từ quy chuẩn trên mà trừ lùi, nếu độ ẩm cỡ 17%, nhà hoàn toàn thuận tiện giao thông thì giá bán cho thương lái là 3.800 đ/kg, nếu nhà sâu trong ngọn thì chỉ còn 3.600 - 3.700 đ/kg, nếu lúa tươi, ướt mà giao thông khó khăn thì chỉ còn 3.000 đ/kg, thậm chí dưới 3.000 đ/kg.

Đấy là giá bán, còn giá thành là bao nhiêu? PGS.TS Mai Thành Phụng, TTKN Quốc gia, nhà khoa học rất gần gũi với nông dân ĐBSCL đưa ra con số 3.125 đ/kg. Con số của PGS.TS Phụng (xem bảng) là kết quả của phép chia: Tổng chi 15 triệu/ha và năng suất bình quân là 4,8 tấn/ha. Con số của TS Nguyễn Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL có thấp hơn: 2.700 – 2.900 đ/kg (tổng chi 13 triệu/ha, năng suất từ 4,5 – 4,8 tấn/ha).

Qua điện thoại, nông dân ở Cần Thơ, Hậu Giang ủng hộ con số của TS Bảnh, ngược lại nông dân ở An Giang, Sóc Trăng lại kết con số của TS Phụng. Như vậy nếu lấy con số 3.000 đ/kg làm giá thành SX lúa của vụ HT này là có thể chấp nhận được (không tính giá thuê đất).

Chi phí cho 1 ha lúa vụ hè thu (Bảng tính của PGS.TS Mai Thành Phụng)

Giống (xác nhận)

1.000.000 đ

 

Làm đất (1 lượt cày, 2 lượt trục)

1.000.000 đ

 

Thuốc trừ cỏ các loại

300.000 đ

 

Thuốc trừ ốc

300.000 đ

 

Bơm nước

- Thuận lợi

- Khó khăn

 

700.000 đ

1.800.000 đ

Bình quân 1,4 triệu đồng

Phân bón (gốc, lá)

- Thấp

- Cao

 

4.000.000 đ

6.000.000 đ

Bình quân 5.000.000 đ

Thuốc BVTV (trừ sâu, bệnh)

- Nhẹ

- Nặng

 

 

1.000.000 đ

2.000.000 đ

Bình quân 1,5 triệu đồng

Thu hoạch (trọn gói: cắt, suốt, phơi sấy, vận chuyển tận nhà)

3.000.000 đ

 

Công nhà chăm sóc (cấy dặm, lấy nước, thăm chừng, phun thuốc)

1.500.000 đ

 

CỘNG

15.000.000 Đ/HA

 

Cần chuyên nghiệp nghề SXKD lúa gạo

Nếu thời tiết không sụt sùi, thị trường hanh thông thì vụ HT này sẽ là một vụ đại thắng vì giá phân bón - vật tư chủ yếu so với vụ ĐX trước giảm tới 30%. Giá urê cung ứng cho vụ HT chỉ với giá 300 – 320.000 đ/bao, giá DAP chỉ 400 - 420.000 đ/bao, giá Kali chỉ 610 - 630.000 đ/bao. Giá phân đơn xuống kéo theo giá NPK giảm theo, giá phân chuyên dùng cho lúa L1, L2, L3 của Cty Phân bón miền Nam theo thứ tự là 9.000 đ, 8.200 đ 9.500 đ/kg. Giá thuốc BVTV không giảm nhưng cũng không tăng. Giá vật tư giảm nhưng giá nhân công, giá cắt, sấy lại tăng vọt khiến cho tổng chi phí đầu tư chỉ giảm được 5%.

Thiệt hại của nông dân chủ yếu ở trà lúa thu hoạch vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Đây là trà lúa được chỉ đạo xuống giống đồng loạt né rầy có tổng diện tích 600.000ha. Việc xuống giống đồng loạt đã bảo vệ thành công trước nguy cơ dịch RN, VLLXL nhưng việc thu hoạch tập trung trong điều kiện mưa nhiều, thị trường XK nguội lạnh đã khiến cho áp lực tiêu thụ lúa tăng cao. Chính vậy lần đầu tiên ở ĐBSCL xuất hiện một tầng lớp trung gian mới – Cò cho thương lái, cò sẽ thu xếp việc mua lúa nhà nào trước, nhà nào sau, giá cả thế nào khiến cho người trồng lúa, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông khó khăn đã thiệt lại càng thiệt. 

Nếu không có sự chỉ đạo mua tạm trữ 800.000 tấn lúa thì thị trường sẽ còn nhốn nháo hơn nhiều. Tuy nhiên, việc lệnh cho DN nhà nước mua lúa cũng chỉ là biện pháp hành chính, nhất thời và không thể kéo dài, nhất là đến năm 2011 chúng ta buộc phải mở cửa thị trường gạo theo cam kết WTO. Không có con đường nào khác, muốn nghề trồng lúa phát triển bền vững thì chúng ta cần chuyên nghiệp nghề SXKD lúa gạo, nhà nước cần khẩn trương đầu tư xây dựng hạ tầng cho vùng lúa, từ đường sá đến kho tàng, từ tạm trữ đến dự trữ, xây dựng chính sách ổn định vật tư nông nghiệp, ổn định giá thu mua lúa cho nông dân.

TS Nguyễn Ngọc Đệ, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ): "3.800đ/kg là chưa tính hết theo chi phí giá thành"

Mức giá sàn 3.800 đ/kg của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dựa trên số liệu tính toán của Sở NN- PTNT các tỉnh ĐBSCL. Nhưng đó là số liệu tính theo biến phí nên có nơi giá 2.800-3.000đ/kg, riêng Long An 3.300đ/kg nhưng chưa được sự thống nhất chung của các tỉnh. Như vậy nếu với mức giá này cộng thêm 30% để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân thì giá thu mua lúa tối thiểu từ 3.800đ/kg trở lên là chấp nhận được.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cách tính dựa theo biến phí thì không thể gọi là giá thành được, vì chưa tính đủ hết chi phí nông dân bỏ ra. Có một thực trạng là, nông dân sản xuất lúa không phải ai cũng có đất. Có người phải đi thuê đất, có người thiếu vốn phải vay ngân hàng chịu lãi suất, công lao động cũng phải tính vào chi phí để ra giá thành.

Ông Nguyễn Lợi Đức, nông dân huyện Tri Tôn (An Giang): "Giá sàn 3.800đ/kg vẫn chưa lời"

Tôi vừa thu hoạch xong hơn 50ha, năng suất 4,5-5 tấn/ha, được gần 250 tấn lúa. Vụ này tôi theo đuổi những giống lúa chất lượng cao, ngon cơm để XK. Vậy mà muốn bán lúa số lượng lớn đâu có dễ, lúa sấy khô hiện chỉ 3.600-3.700đ/kg. Như lúa OM 4900 gạo chất lượng ngon vậy mà hàng xáo chê xay rớt gạo, không chuộng bằng lúa OM 4218. Còn Jasmine 85 thê thảm hơn, làm cực mà lái lúa chỉ mua 4.000đ/kg.

Vụ lúa HT này nếu tính giá sàn 3.800đ/kg tôi thấy không lãi bao nhiêu. Đó là làm trúng có năng suất. Còn làm thất thì không ít nông dân lỗ nặng. Tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn này có người làm 200 công ruộng (20ha) bây giờ bán lúa tính hết lỗ gần 200 triệu. Vì sao vậy? Bởi đầu vụ vừa xuống giống bị rầy nâu, rồi vào vụ bệnh đạo ôn tới tấp. Gần thu hoạch gặp mưa lúa đổ ngã, ruộng ngập lúa hư thối rất nhiều, thậm chí có người thu hoạch một công tầm cắt chỉ 7-8 bao lúa. Thuê mướn nhân công cắt, gom cao, hỏi còn lãi được bao nhiêu?

Nông dân Thạch Nhiễu, ấp Trà o­ng, xã Viên An, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng): "Lời nhưng không nhiều”

Vụ HT năm nay bà con làm lúa thường coi như thua, thương lái tới mua 3.100-3.150đ/kg. Đã vậy thu hoạch gặp lúc mưa bão chi tới 550-600kg/công. Còn lúa thơm ST khô ráo vẫn bán được giá 4.000đ/kg. Tôi làm 4ha lúa ST, lúc rảnh rỗi tôi tính sổ chi li tất cả chi phí, nếu giá lúa 4.000đ/kg tôi lãi 700-800đ/kg. Nếu giá lúa 3.500đkg thì xem như huề vốn. Còn bằng như có giá sàn được 3.800đ/kg tôi thấy có lời, nhưng không đã.

* Theo phân tích chuỗi giá trị lúa gạo năm 2008 tại TP Cần Thơ của tác giả Nguyễn Ngọc Châu, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ) cho thấy thu nhập bình quân mỗi hộ nông dân ở ĐBSCL với 0,5ha và 4 nhân khẩu, một năm làm cả 3 vụ lúa (ĐX, XH, HT) thì lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí được 14.130.000 đồng. Nếu cộng thêm những khoản thu nhập khác từ làm thuê, chài lưới thêm khoảng 3,6 triệu đồng/năm thì tổng thu cả năm được 17.730.000 đồng. Trong khi đó các khoản chi tối thiểu của một nông hộ tính sát sườn gồm thực phẩm, ăn uống, điện, nước, tiền học cho con, thuốc chữa bệnh, quần áo 2 bộ/năm, sửa sang nhà cửa…tổng chi lên tới 17 triệu đồng.