Giá lúa nhích lên, nhưng nông dân vẫn chưa có lãi
Được đăng : 03/11/2016
Tại Hội nghị giao ban sản xuất các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức chiều 23-7 tại Kiên Giang, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, "với giá lúa như hiện nay nông dân đã có lãi", trong khi đó các địa phương thì cho rằng, "chẳng những nông dân không có lãi thậm chí còn bị lỗ".
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống hơn 1,6 triệu ha lúa hè thu, đạt 102% so với kế hoạch. Với năng suất ước đạt gần 5 tấn/ha, sản lượng vụ hè thu toàn vùng đạt khoảng 8 triệu tấn lúa. Hiện nay, vụ lúa hè thu đang bước vào thời điểm thu hoạch tập trung, ước sản lượng thu hoạch đến cuối tháng 7 khoảng 2,5 triệu tấn và trong tháng 8 sẽ thu hoạch thêm khoảng 3 triệu tấn. Giá lúa khô loại thường trong vùng dao động từ 3.300 đến 3.500 đồng/kg, giá lúa chất lượng cao từ 3.900 đến 4.100 đồng/kg. Còn giá lúa tươi loại thường từ 2.600 đến 2.700 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 2.800 đến 3.000 đồng/kg.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Phạm Văn Bảy, cho biết: Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được hơn 3,6 triệu tấn gạo. Hiện tình hình ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo đang rất khả quan và chỉ tiêu dự kiến xuất khẩu từ 6 đến 6,2 triệu tấn gạo là thừa khả năng đạt được. Hiện các hợp đồng đã ký đạt gần 5,6 triệu tấn.
Tuy nhiên các hợp đồng mới giá tương đối thấp và chủ yếu tập trung vào các hợp đồng thương mại. Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Phạm Văn Bảy, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc mua tạm trữ một triệu tấn gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phân công cho 48 doanh nghiệp và đã thu mua được 216 nghìn tấn. "Việc thu mua đang gặp nhiều thuận lợi, do ngân hàng tích cực hỗ trợ, lượng gạo tồn đọng trong dân còn nhiều. Hiện nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang hướng dẫn cho hội viên mua lúa gạo theo cơ chế thị trường nên chưa bảo đảm cho người trồng lúa lãi 30%. Tuy nhiên với giá lúa như hiện nay nông dân đã có lãi" - ông Bảy khẳng định.
Trong khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định, với giá lúa như hiện nay nông dân đã có lãi, còn ngành NN và PTNT các địa phương thì cho rằng, nông dân thậm chí không có lãi mà còn bị lỗ. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh An Giang Phạm Thị Hòa cho biết: Giá thành sản xuất vụ hè thu năm nay tại An Giang hơn 3.850 đồng/kg, trong khi đó giá lúa chỉ từ 3.200 đến 3.900 đồng/kg. "Với mức giá này, nông dân không có lãi, thậm chí là lỗ nặng. Nếu muốn người nông dân có lãi 30%, giá lúa trên thị trường phải đạt mức 5.000 đồng/kg". Còn tại tỉnh Kiên Giang, giá thành sản xuất vụ hè thu cũng đã từ 3.200 đến 3.500 đồng/kg. Trong khi đó giá lúa tại Kiên Giang cũng chỉ từ 3.200 đến 3.800 đồng/kg. "Chi phí thuê nhân công cao, do lúa hè thu thu hoạch vào thời điểm mưa lũ, nông dân không có điều kiện tồn trữ, phải bán lúa ngay để trang trải nợ nần, đầu tư tái sản xuất. Vì vậy người nông dân không có lãi trong sản xuất vụ hè thu này".
Theo nhận xét của lãnh đạo các Sở NN và PTNT các tỉnh trong khu vực, mặc dù giá lúa đã có tăng so với trước, nhưng không những không thể bảo đảm cho người nông dân lãi 30% mà người dân có thể không bán được lúa, hoặc bán với giá thấp trong thời gian tới là rất có thể. Theo Cục Trồng trọt, sản lượng vụ hè thu và thu đông toàn vùng đạt khoảng 10 triệu tấn lúa, tương đương với 5 triệu tấn gạo. Vì vậy nếu thực hiện hoàn thành việc mua tạm trữ một triệu tấn gạo thì lượng lương thực tồn đọng trong dân vẫn còn rất nhiều. Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang Trần Quang Củi, các doanh nghiệp tại Kiên Giang chỉ được giao chỉ tiêu mua tạm trữ 90 nghìn tấn gạo, tương đương 180 nghìn tấn lúa, trong khi đó lượng lúa hàng hóa của tỉnh khoảng một triệu tấn, tương đương 500 nghìn tấn gạo. Tương tự tại An Giang, chỉ tính riêng sản lượng lúa hè thu đã đạt hơn 1,2 triệu tấn. Lượng lúa hàng hóa khoảng 800 nghìn tấn, tương đương 400 nghìn tấn gạo.
Sở NN và PTNT Kiên Giang đề nghị, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tăng chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho Kiên Giang. Trong khi đó bà Phạm Thị Hòa thì cho rằng, việc thu mua tạm trữ lúa gạo cần được thực hiện thường xuyên. Bộ Tài chính cũng cần sớm ban hành giá thành sản xuất và duy trì mức giá sàn cho gạo xuất khẩu; khuyến khích các thương lái tham gia thu mua lúa gạo để giúp người nông dân tiêu thụ hết số lúa tồn đọng với mức giá cao bảo đảm người nông dân có lãi.