00:00 Số lượt truy cập: 2993891

Giá lương thực thế giới tăng cao nhất 20 năm qua 

Được đăng : 03/11/2016
Giá lương thực thế giới đã đạt mức kỷ lục và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa, BBC dẫn báo cáo từ Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).

Cánh đồng lúa mì bị cháy ở Nga hồi tháng 8-2010. Giá lương thực trên thế giới đã lên đến mức “nguy hiểm”.

Chỉ số giá lương thực đã tăng 2,2% để đạt mức 236 điểm - cao kỷ lục kể từ khi FAO bắt đầu theo dõi từ năm 1990, đồng thời vượt mức của năm 2008 - thời điểm bạo loạn bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới do giá lương thực tăng cao. Như vậy chỉ số này phá kỷ lục trong 3 tháng liên tiếp và đã tăng trong suốt 8 tháng qua.

Chỉ số giá các loại ngũ cốc như bắp và bột mì đã tăng đến 70% chỉ trong năm qua, theo báo cáo của FAO.

Nguyên nhân dẫn tới xu hướng này, theo New York Times, là do một loạt thiên tai xảy ra trong năm 2010 như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán ở Úc và cháy rừng ở Nga.

FAO cảnh báo việc giá dầu tăng cao sẽ càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hiện giá dầu đã đạt mức kỷ lục trong vòng hai năm rưỡi qua do tình hình bất ổn tại Bắc Phi và Trung Đông. Hôm 3-3, giá dầu thô leo thang thêm nữa giữa lúc giao tranh tiếp diễn tại Libya, một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa.

“Việc giá dầu tăng cao càng làm mọi thứ bấp bênh hơn trong bối cảnh các vụ gieo hạt lớn trên thế giới đang chuẩn bị bắt đầu” - BBC trích lời giám đốc Ban thương mại - thị trường của FAO David Hallam.

FAO cũng cảnh báo nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc cho việc sản xuất lương thực, thức ăn cho gia súc và nhiên liệu sẽ tăng trong thời gian tới có thể đẩy giá cả lên cao hơn nữa.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình, bởi theo người phát ngôn IMF Caroline Atkinson, giá lương thực sẽ “tác động mạnh tới những nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp”.

Cải cách chương trình cứu trợ lương thực

Trước tình hình hiện tại, Các quốc gia trên thế giới đang đàm phán về việc thay đổi căn bản Công ước về viện trợ lương thực - quy định cách thức tiến hành viện trợ lương thực.

Theo FAO, sẽ tốt hơn nếu như các quốc gia phát triển tập trung hỗ trợ thêm tiền cho các nỗ lực phát triển và cải cách nông nghiệp tại các quốc gia nghèo để họ có thể “tự thân vận động”, thay vì dồn đến 80% tài trợ vào các chương trình cứu đói khẩn cấp như hiện nay.

Nhiều quan chức Liên Hiệp Quốc cũng muốn Mỹ trực tiếp mua lương thực từ các quốc gia đang phát triển. Theo quy định hiện tại của Quốc hội Mỹ, tất cả các loại lương thực viện trợ phải được mua tại Mỹ và vận chuyển từ đây. Chương trình lương thực thế giới ước tính chi phí mua lương thực và vận chuyển từ Mỹ đến các quốc gia cần hỗ trợ đã chiếm hết 50% trị giá các gói viện trợ lương thực của Mỹ.