00:00 Số lượt truy cập: 2994404

Giá lương thực thế giới tăng trở lại 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), công bố ngày 9-8, thời tiết khắc nghiệt tại nhiều nơi trên thế giới đã khiến chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 7 tăng trở lại, cao hơn 6% so với mức trong tháng 6.

Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO, dùng làm thước đo thay đổi của rổ hàng hóa gồm ngũ cốc, hạt có dầu, sữa, thịt và đường, trung bình ở mức 213 điểm trong tháng 7, tăng 12 điểm so với tháng 6.

Nguyên nhân chủ yếu đẩy chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 7 tăng trở lại là do giá đường và các loại hạt tăng cao.

Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 7 trung bình ở mức 260 điểm, tăng 38 điểm so với tháng 6, thấp hơn 14 điểm so với mức đỉnh là 274 điểm hồi tháng 4-2008.

Triển vọng về mùa ngô bị tác động mạnh mẽ tại Mỹ do hạn hán trên diện rộng đã đẩy giá ngô tăng gần 23% trong tháng 7. Trong khi đó, giá lúa mì thế giới cũng tăng 19% giữa lúc triển vọng về sản lượng lúa mì tại Nga trở nên tồi tệ hơn và xuất hiện những dự đoán về nhu cầu lúa mì làm thực phẩm sẽ tăng mạnh do các nguồn cung ngô trở nên khan hiếm.

Tuy nhiên, giá gạo thế giới gần như không đổi trong tháng 7, với chỉ số giá gạo nói chung ổn định ở mức 238 điểm.

Tháng 7 cũng chứng kiến chỉ số giá đường tăng mạnh tới 34 điểm so với tháng 6 lên mức 324 điểm. Những cơn mưa không đúng lúc tại Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã gây tác động đến sản lượng đường của nước này. Bên cạnh đó, những lo ngại về gió mùa đến muộn tại Ấn Độ và lượng mưa nhỏ tại Australia cũng góp phần đẩy chỉ số giá đường tăng cao.

Tuy nhiên, trong tháng 7, giá của các sản phẩm thịt và bơ sữa trên thế giới không thay đổi nhiều. Cụ thể, chỉ số giá thịt trung bình ở mức 168 điểm, giảm ba điểm so với tháng 6 và là tháng giảm thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, giá bơ sữa không đổi, trung bình ở mức 173 điểm.

Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc FAO, Abdolreza Abbassian nhận định: “Giá lương thực thế giới có khả năng tăng thêm nữa. Chắc chắn mùa năm nay, giá lương thực thế giới sẽ không thấp hơn so với năm ngoái”.

Cuộc khủng hoảng lương thực năm năm về trước đã đẩy giá lương thực lên cao và làm bùng phát bạo lực, tuy nhiên, tình trạng này chỉ có thể lặp lại nếu các quốc gia đưa ra các chính sách như cấm xuất khẩu lương thực, ông Abbassian nói thêm.

BÔNG MAI