00:00 Số lượt truy cập: 2672818

Giá lương thực trên thế giới sẽ tăng mạnh 

Được đăng : 03/11/2016

Thế giới sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải là giá lương thực sẽ tăng mạnh sau nhiều năm sụt giảm, và cùng với sự biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn cung lương thực trở thành một thách thức không nhỏ đối với các nước nghèo.


Báo cáo "Thực trạng lương thực thế giới" công bố ngày 4/12 của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế nhận định rằng hiện tượng Trái Đất ấm lên cùng nhu cầu tiêu thụ lương thực tăng mạnh ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ là hai tác nhân chính gây sức ép đối với hệ thống lương thực thế giới, và hệ quả của quá trình này là làm cho giá lương thực tăng trong tương lai gần.

Theo ông Gioa-khim Phon Brau (Joachim von Braun), Giám đốc viện nghiên cứu có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), kể từ khi các nhà nông học lai tạo thành công các giống cây trồng cho năng suất cao từ nhiều thập kỷ trước, giá lương thực đã giảm đáng kể. Lần gần đây nhất thế giới chứng kiến sự tăng giá lương thực là hai năm 1973-1974, song, ông nhấn mạnh, thời kỳ hưng thịnh này đã qua cùng những diễn biến phức tạp của thời tiết.

Báo cáo nêu rõ nạn đói và suy dinh dưỡng là những nguy cơ tiềm ẩn đối với các nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu mà ngành nông nghiệp phụ thuộc vào môi trường như các quốc gia châu Phi. Ngoài ra, các nước này sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu do sản lượng nông nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế ước tính đến năm 2020, sản lượng lương thực của thế giới sẽ giảm từ 16%-20% do hiện tượng Trái Đất ấm lên và diện tích đất canh tác hiện nay sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng lương thực ở các nước đang phát triển cũng đặt ra một thách thức không nhỏ, khiến giá cả ngày càng leo thang. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và có lợi cho môi trường cũng liên quan mật thiết tới vấn đề giá cả lương thực khi mà chính phủ các nước đang khuyến khích sử dụng năng lượng sinh học. Theo báo cáo, vào cuối thập kỷ tới, giá ngô có thể tăng 72% và giá các loại hạt có dầu tăng 44%.

Để đối phó với thực trạng này, báo cáo đề xuất giải pháp là chính phủ các nước, đặc biệt là các nước giàu, cần xóa bỏ các hàng rào thương mại nhằm hỗ trợ người nông dân các nước đang phát triển. Song, đây là hướng giải quyết mang tính tạm thời khi mà những nước thành viên Liên minh châu Âu và Mỹ miễn cưỡng cắt giảm các khoản trợ giá nông phẩm cũng như bãi bỏ rào cản thương mại trong các cuộc đàm phán về thương mại toàn cầu./.