00:00 Số lượt truy cập: 3036504

Giá tăng, nhưng... không vui 

Được đăng : 03/11/2016

Dù giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh nhưng hầu hết người nuôi cá vẫn không dám đầu tư nuôi lại, bởi rủi ro từ con cá tra luôn quá lớn


Chạy theo con đường bê tông mới dọc kênh Bò Ót dẫn vào vùng nuôi cá tra xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ), anh Hảo, cán bộ xã, cho biết đây là con đường do những người nuôi cá tra đóng góp xây dựng. Nhưng năm nay, vùng nuôi cá tra nơi đây buồn hiu hắt, chẳng còn được bao nhiêu hộ bám nghề.

 

An Giang: 60% diện tích “treo hầm”

Tương tự vùng nuôi cá tra ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú; xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cũng buồn thiu, nhà nào cũng “treo hầm” vì đứt vốn và không dám mạo hiểm đầu tư vụ mới. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, cho biết toàn tỉnh có trên 1.300 ha nuôi cá tra, nhưng hiện có hơn 60% diện tích “treo hầm” vì lỗ nặng từ vụ cá hồi năm ngoái.

Hiện nhiều người hiện không dám đầu tư nuôi cá mới, vì lo ngại giá cá tra nguyên liệu ở mức hiện nay là do thiếu cá nguyên liệu sản xuất sau Tết, và thực tế thị trường xuất khẩu thủy sản chưa có chuyển biến mới.

Từ sau Tết Nguyên đán, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu tăng mạnh trở lại. Hiện loại cá da trơn này được các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản đang ráo riết chạy tìm mua với giá khoảng 16.000 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với cuối năm 2008, nhưng “vét” sạch ao, bè cũng không có cá để thu mua. Lý do là thời điểm khó khăn kéo dài hồi 6 tháng cuối năm 2008, giá cá tra nguyên liệu rớt thê thảm, người nuôi lỗ nặng, một phần do bán giá rẻ vì không thể để cá quá lớn sẽ tốn chi phí thức ăn (hàng chục triệu đồng/ngày), vừa khó bán. Mặt khác, thời điểm đó giá thức ăn cho cá tăng cao, khiến nhiều chủ hầm không đủ sức cầm cự nên bán... “cá non”. Một số khác nuôi cầm chừng và may mắn gặp lúc thu hoạch vào thời điểm này giá cá đang lên, nhưng chỉ đủ hòa vốn. Anh Nguyễn Văn Tre, ấp Thới Bình B, xã Thới Thuận, vừa bán khoảng 500 tấn cá tra với giá 16.000 đồng/kg, nhưng tính ra cũng chẳng có lời. Anh Tre tính toán, do giá thức ăn tăng cao nên để đầu tư cho một ký cá tra thịt anh phải mất gần 16.000 đồng, tính chi phí nhân công chăm sóc coi như bỏ hết mới huề vốn. Tuy nhiên, anh vẫn hy vọng vào 2 hầm cá lứa chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ thu hoạch. Anh cho hay hiện giá thức ăn giảm 50%, cộng thêm giá cá tăng mới mong gỡ gạc.

Tương tự, ông Năm Tấn, ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cũng vừa thu hoạch hơn 150 tấn cá tra với giá 16.000 đồng/kg, nhưng cũng chẳng có lời.

Khi hầm cá làm... sân bóng chuyền

Đến Thới Thuận hỏi tới chuyện nuôi cá tra, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Ông Cao Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, cho biết toàn xã có 199 ha nuôi cá tra, nhưng hiện nay diện tích ao nuôi chỉ còn khoảng 20%, số còn lại “treo hầm”. Ngoài ra, xã cũng vừa giải quyết một số vụ tranh chấp nợ nần do các chủ nuôi thua lỗ không có tiền trả tiền thức ăn. Còn một số người khác đã bỏ xứ đi biệt như: chị Ng.Th.Th, anh Ng.V.Th, ông H.V.M...

Dù nhiều năm sống bằng nghề nuôi cá tra, nhưng giờ đây dân Thới Thuận chẳng mấy ai còn tha thiết nữa. Chỉ riêng trong ấp Thới Bình A, chúng tôi đã đếm không hết có bao nhiêu hầm cá bỏ không. Một người dân trong ấp dẫn chúng tôi đến từng nhà, như nhà ông Nguyễn Văn Ngày có 3 hầm cá bỏ không từ tháng 8 năm ngoái, đến nhà ông Đặng Văn Hiếu, Phạm Văn Tổng, Trương Văn Tuấn, Võ Văn Năm..., mỗi người đều bỏ trống từ 2, 3 đến 10 hầm cho cỏ mọc xanh um.
Buồn nhất là anh Lê Văn Khởi đã có gần 10 năm gắn bó với con cá tra, vậy mà cũng không cầm cự nổi. Dẫn chúng tôi ra sau nhà chỉ chỗ đất cát còn rất mới, anh Khởi kể bằng giọng buồn: “Nơi này trước đây là hầm nuôi cá tra của gia đình tôi. Vì bị thua lỗ nặng vụ cá vừa rồi nên tôi thành kẻ trắng tay. Buồn quá không muốn nhìn thấy “dư âm” con cá nên tôi lấp bỏ cái hầm làm... sân bóng chuyền cho thanh niên trong xóm chơi thể thao. Không nhìn thấy cái hầm thì coi như tôi không còn vấn vương gì đến con cá nữa”.