00:00 Số lượt truy cập: 2998329

Giá thịt bán lẻ đang quá vô lý! 

Được đăng : 03/11/2016

Thịt heo, gà từ trang trại của nông dân bán giá bèo bọt, khi ra đến chợ, siêu thị đã bị “thổi” giá lên cao ngất ngưởng. Sự bất hợp lý này đang khiến người chăn nuôi lỗ “vỡ mặt”, giới trung gian và bán lẻ lại quá lời, còn người tiêu dùng thì phải ăn thịt cực đắt!


THỊ TRƯỜNG THỊT… MÉO MÓ!

Ông Nguyễn Quốc Trung – Tổng Giám đốc Cty TNHH chăn nuôi Japfa Comfeef Long An khẳng định: “Theo tính toán của chúng tôi, với giá gà lông trắng bán tại trại chỉ 20.000 đồng/kg thì khi đưa ra bán lẻ, trừ tất tật các chi phí, hao hụt thì chỉ cần bán với giá 38.000 đồng/kg cũng đủ lời to rồi. Tương tự, thịt heo xuất chuồng tại nông hộ chỉ còn 36.000 đồng/kg, tại trang trại khoảng 39.000 đồng/kg, nhưng khi tới tay người tiêu dùng vẫn đứng ở mức “đỉnh”, không thua kém thời điểm giá heo hơi lên tới 50.000 đồng/kg cuối năm ngoái". Theo ông Trung, chính việc giới trung gian và người bán lẻ ăn lời “khủng” đã không kích thích người tiêu dùng ăn nhiều thịt, thị trường thịt cũng đang bị méo mó nghiêm trọng!

Tại siêu thị Co-op Mart (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TPHCM) ngày 12/7, khảo sát của NNVN cho thấy, quả thực giá bán lẻ thịt heo và gà đang đối nghịch với tình cảnh ê chề của người chăn nuôi. Tại quầy thịt heo Vissan, giá bán thịt nách là 72.000 đồng/kg, nạc đùi 87.000 đồng/kg, thịt thăn 115.000 đồng/kg, thịt ba rọi (loại ngon) còn “khiếp” hơn lên tới 122.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại quầy thịt gà, dù được siêu thị treo biển báo to tướng: “Sản phẩm bình ổn thị trường”, nhưng giá thịt gà công nghiệp (lông trắng) vẫn lên tới 44.000 đồng/kg, còn gà lông màu (tam hoàng) 54.000 đồng/kg, riêng gà ta giá lên tới 84.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo, gà tại các chợ bán lẻ truyền thống cũng không mấy khác biệt; một số chợ nhỏ giá có thấp hơn chút ít từ 3 – 5% so với giá bán tại siêu thị.

Nói về sự bất hợp lý này, ông Chung Kim – Giám đốc Cty Chăn nuôi heo Kim Long (một trong trang trại heo lớn nhất Bình Dương) khẳng định: Giá thịt bán lẻ đang khiến người tiêu dùng e dè sử dụng, còn người chăn nuôi thì bị thua thiệt phi lý. Vì thế, cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp quản lý giá ở khâu bán lẻ, cắt giảm khâu trung gian để hạn chế tình trạng giá bị đẩy lên quá cao. Đặc biệt, nếu các DN kinh doanh thịt không có ý thức tự hạ giá thành, thì Nhà nước cần có chính sách tác động, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả mọi người. Có như vậy mới mong kích thích tiêu thụ nhanh lượng heo tồn đọng, người chăn nuôi bớt khổ và lành mạnh hóa thị trường thịt tại VN.

CHÍNH PHỦ CẦN KÍCH CẦU

Ông Nguyễn Văn Trực – Tổng Giám đốc Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn khẳng định: “Muốn giải quyết đầu ra và điều chỉnh giá bán thì phải liên quan đến việc người tiêu dùng sử dụng nhiều hay ít. Vì thế tôi có hai kiến nghị: Thứ nhất, kênh truyền thông đưa tin về vấn đề sử dụng chất cấm và dịch bệnh cần phân biệt và nêu rõ ai, trang trại nào vi phạm hay phát dịch? Nhằm tránh tình trạng “vạ lây” cho người chăn nuôi đàng hoàng, đồng thời không để người tiêu dùng có tâm lý tẩy chay thịt. Thứ hai, Chính phủ cần có chính sách kích cầu, cụ thể như: Cho một số DN lớn vay với lãi suất ưu đãi, tổng lực thu mua tạm trữ ngay thịt heo, gà để chuẩn bị cho lễ tết sắp tới”.

Còn ông Chung Kim, GĐ Cty Chăn nuôi Kim Long cho biết, 70% giá thành thịt heo tại nước ta rơi vào chi phí cho TĂCN, khiến giá thịt tại VN gần như cao nhất khu vực Đông Nam Á. Vì thế ông Kim đề xuất Chính phủ cần có cơ chế, chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu, khuyến khích DN đầu tư vào trồng trọt, sản xuất nguyên liệu TĂCN với nhiều chính sách ưu đãi. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, khuyến nông về kiến thức chăn nuôi, quản lý trang trại, thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học...