Ngày 27-5, các nhà sản xuất TACN lại đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thêm 2.500-7.500 đồng/bao 25kg tùy loại. Đây là lần thứ hai trong tháng 5-2008 và là lần thứ... năm kể từ đầu năm, giá TACN lại tăng.
Mệt vì giá tăng đều đều
"Nếu giá TACN cứ đều đều tăng như thế này, không sớm thì muộn hầu hết trại chăn nuôi gà còn trụ được cho đến hôm nay cũng phải đóng cửa vì thua lỗ nặng..." - chị Phượng Nguyên, chủ trại gà 20.000 con tại Long Khánh (Đồng Nai), lo lắng nói. Theo chị Nguyên, từ đầu năm đến nay hầu hết trại chăn nuôi gà đều thua lỗ nặng, những người nuôi đạt nhất hoặc xuất chuồng rơi vào thời điểm gà được giá nhất cũng chỉ đủ hòa vốn. Riêng gia đình chị Nguyên chỉ sau ba lứa gà, số tiền lỗ đã lên tới gần 200 triệu đồng. Các hộ chăn nuôi khác, mức lỗ thấp nhất cũng vài chục triệu đồng, nếu nuôi gà với số lượng con giống nhiều hơn, mức lỗ càng nặng hơn.
Ông Thành "gà” tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai) khẳng định người nuôi gà công nghiệp thời gian qua không thua lỗ mới là chuyện lạ, do giá thành chăn nuôi gà bao giờ cũng cao hoặc xấp xỉ giá bán. Theo tính toán của ông Thành "gà”, với giá TACN hiện nay, giá thành chăn nuôi gà thấp nhất hiện cũng lên 24.000 đồng/kg đối với những hộ chăn nuôi đạt, nhưng phổ biến vẫn ở mức 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà bán ra từ đầu năm đến nay chỉ ở mức 23.000-24.000 đồng/kg và chỉ vừa nhích lên khoảng 25.000-26.000 đồng/kg vào đầu tuần này.
Nhà sản xuất có "té nước theo mưa"?
Tìm hướng ra Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - cục phó Cục Chăn nuôi: Hiện người chăn nuôi đang chịu sức ép giá TACN tăng quá cao trong khi nguồn gà nhập về nhiều, kéo giá gà giảm. Chúng tôi dự thảo một số biện pháp để trình Bộ NN&PTNT, trong đó có xem xét lại mức thuế nhập khẩu sản phẩm thịt gà từ các nước. Đăc biệt là phải hạn chế nhập khẩu những sản phẩm phụ (cánh, thân gà…); đồng thời có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống. Cách đây một năm, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành TACN nhưng không thể ngày một ngày hai thực hiện được. |
Theo anh M., các nhà sản xuất TACN đã tăng giá bán sản phẩm dù giá một số nguyên liệu trên thị trường như bắp, mì… không tăng, thậm chí còn giảm. Từ đầu năm đến nay giá mì chỉ dao động ở mức 3.100-3.200 đồng/kg và vừa nhích lên khoảng 3.400 đồng/kg, bằng cuối năm trước. Giá bắp ở mức 4.500-4.600 đồng/kg, cao hơn cuối năm trước khoảng 100-150 đồng/kg. Riêng đậu nành hiện đứng ở mức khoảng 8.000 đồng/kg, thấp hơn giá thế giới 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, các nhà sản xuất đã năm lần tăng giá bán TACN, với mức thấp nhất là 12.500 đồng/bao và cao nhất lên tới hơn 20.000 đồng/bao 25kg. Tính từ tháng 5-2007 đến nay, giá TACN đã tăng đến... 17 lần, tính ra tăng từ 60.000-80.000 đồng/bao 25kg.
Thế nhưng, một số nhà sản xuất TACN cho rằng việc tăng giá bán là không tránh khỏi, do lãi suất ngân hàng và giá nguyên liệu cùng tăng. Một số công ty không có vốn lưu động lớn, phải chịu cảnh ăn đong nguyên liệu, sản xuất tới đâu mua tới đó trong khi giá nguyên liệu cũng tăng, nhất là những loại đạm và khoáng chất (tất cả đều nhập khẩu) cùng tăng giá. Tuy nhiên, một chuyên gia ngành chăn nuôi khẳng định những ảnh hưởng này nếu có cũng chỉ xảy ra đối với những đơn vị nhỏ ít vốn, còn những nhà sản xuất lớn đều đã ký hợp đồng mua và trữ hàng cho kế hoạch sản xuất từ 6-12 tháng, không chịu ảnh hưởng nhiều trước sự biến động giá.
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Một chuyên gia bức xúc cho rằng mặc dù VN vẫn là một nước sản xuất nông nghiệp nhưng hầu hết nguyên liệu sản xuất TACN như bắp, cám gạo, đậu nành, bột cá... đều phải nhập khẩu. Theo ông Lê Bá Lịch - chủ tịch Hiệp hội TACN VN, đến nay VN vẫn nhập khẩu đến 34% nguyên liệu sản xuất TACN.
Trong năm 2007, VN đã nhập khẩu 1,6 tỉ USD nguyên liệu TACN. Ngành sản xuất TACN đã nhập khẩu hơn 500.000 tấn bắp, khoảng 100.000 tấn bột cá và hơn 100.000 tấn cám gạo trích ly (đã lấy dầu). Chỉ riêng nhập khẩu bắp mỗi năm lên tới 250-300 triệu USD.
Một chuyên gia cho rằng kể từ năm 2007, khi các nước tập trung sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) từ bắp, giá bắp trên thị trường thế giới đã tăng vọt. "Chúng ta đã phải chấp nhận bỏ thuế nhập khẩu bắp và một số nguyên liệu khác để kìm hãm đà tăng giá TACN nhưng không đạt hiệu quả. Ngành nông nghiệp cần phải tập trung phát triển vùng nguyên liệu cho TACN, nếu sống nhờ vào nguyên liệu nhập khẩu thì khó đạt hiệu quả cao chứ chưa nói đến chuyện ổn định" - một chuyên gia nói.
Tại VN, cây bắp chủ yếu được trồng ở những vùng trung du miền núi, chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa do chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi. Do vậy, năng suất bắp rất thấp, chỉ khoảng 3,5-3,7 tấn/ha, bằng một nửa so với năng suất bắp tại Trung Quốc.