Người chăn nuôi, doanh nghiệp gặp khó
Tại Bình Định, từ đầu năm đến nay, giá TACN liên tục tăng 20-30%. Tăng nhiều nhất là các hãng D3, DH, CP, Cargill, Con Cò, từ 10.000 đến 30.000 đồng/bao, tùy loại. Cụ thể, thức ăn D3 dành cho vịt đẻ hiện có giá 250.000 đồng/bao 40kg, tăng 30.000 đồng; gà thịt 260.000 đồng/bao 40kg, tăng 30.000 đồng. Thức ăn Cargill dành cho heo giống giá 200.000-235.000 đồng/bao 25kg, tăng 20.000-25.000 đồng; thức ăn CP cho heo thịt 180.000-220.000 đồng/bao 20kg, tăng 20.000-30.000 đồng...
Theo ông Đinh Văn Thông (Kim Bảng-Hà Nam), chủ một trang trại chăn nuôi lớn, người chăn nuôi thời gian qua không thua lỗ mới là chuyện lạ. Giá thành chăn nuôi gà công nghiệp bao giờ cũng cao hoặc xấp xỉ giá bán, với giá TACN như hiện nay, giá thành chăn nuôi gà thấp nhất lên tới 24.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà bán ra từ đầu năm đến nay chỉ ở mức 23.000-24.000 đồng/kg, vừa nhích lên khoảng 25.000-26.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi gà chỉ từ hoà đến lỗ. Nuôi lợn cũng chẳng hơn gì...”.
Bà Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, năm 2006, cả nước có 241 doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN, năm 2007 còn 214 DN (giảm 11%), 6 tháng đầu năm 2008 có khoảng 30-40 DN tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do các DN thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng quá cao. Với gần 200 DN hoạt động, 6 tháng đầu năm 2008 sản xuất được 4,1 triệu tấn TACN, chỉ đáp ứng được 78,8% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu 3,47 triệu tấn (1,523 tỷ USD), chưa bao gồm thức ăn thuỷ sản và cỏ khô.
“Khó khăn lớn nhất của DN lúc này vẫn là vốn. Với tình hình này, theo tôi, giá TACN sẽ còn tăng nữa. Vì vậy, mong Nhà nước giảm thuế suất đối với các mặt hàng TACN, có như vậy giá TACN mới ổn định”, ông Nguyễn Như So, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Ninh cho hay.
Đi tìm nguyên nhân
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao lý giải nguyên nhân của việc TACN tăng giá mạnh là do thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trong thời gian qua; nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, giá các loại nguyên liệu này liên tục tăng, như ngô tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, khô dầu đậu tương 133%, methionin 142%. Thủ tục nhập khẩu còn nhiều vướng mắc như nhiều lô hàng khô dầu (bã) đã nằm trong danh mục TACN được phép nhập khẩu nhưng thời gian qua vẫn bị “lưu” kho để kiểm tra chất lượng, khó khăn trong kiểm tra ADN với các lô hàng bột thịt xương đại gia súc, một số cửa khẩu chỉ cho phép thông quan khi toàn bộ lô hàng về cảng, các chi cục hải quan cửa khẩu không tuân thủ thực hiện áp mã HS của các mặt hàng TACN đã được công bố tại các danh mục... Lý do cuối cùng là, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD cao khiến DN khó khăn khi vay vốn, lãi suất ngân hàng tăng, thủ tục lại phức tạp, tiền ký quỹ thanh toán quá lớn (20%).
Đây là những khó khăn không chỉ đối với các DN mà cả với nhà quản lý. Muốn giải quyết được tình trạng này, theo ông Giao, trước tiên cần khống chế dịch bệnh, tăng cường sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước, có chính sách ưu đãi đối với DN, đơn giản hoá các thủ tục nhập khẩu, có những chính sách tiền tệ phù hợp...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ đưa TACN vào danh mục các mặt hàng thiết yếu; đề nghị ngân hàng có những chính sách cho vay ưu đãi đối với nông dân và DN, ngành hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhanh nhất cho DN. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi phải tăng cường thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá. Các DN phải công khai giá và đảm bảo chất lượng sản phẩm...
Với những giải pháp trên, hy vọng thời gian tới, thị trường TACN sẽ ổn định, nông dân không phải lao đao vì “leo” theo giá.