Giá thức ăn chăn nuôi
Được đăng : 03/11/2016
Người chăn nuôi lại nặng trĩu âu lo trước năm mới vì giá thức ăn chăn nuôi đang "nhảy múa".
Hai tuần trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi đã đột ngột tăng từ 5-7%, đây là phản ứng trước thông tư số 216 của Bộ Tài chính. Theo thông tư này, từ đầu năm 2010, thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu từ các nước ngoài ASEAN và từ các nước đã ký hiệp định ưu đãi thuế với Việt Nam đều tăng lên so với năm 2009: thuế nhập khẩu bắp, bột cá, bột thịt xương tăng 0-5%, dầu cá tăng từ 5 lên 7%, bột mì tăng từ 10 lên 15%...
Suốt từ đầu năm 2009 đến nay, người chăn nuôi đã lỗ nặng hoặc chỉ hoà vốn do giá thịt lợn luôn duy trì ở mức thấp (trên dưới 30 nghìn đồng/kg), chăn nuôi gia cầm vẫn chưa gượng dậy được sau khi bị thịt gà ngoại nhập “đè nén”. Người chăn nuôi đang trông chờ vào những tháng cuối năm để “gỡ lại vốn”. Thế nhưng với tình trạng hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng tốc nhanh hơn giá thực phẩm, thì chăn nuôi cuối năm đang rất rủi ro.
Những sức ép tăng giá
Theo Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường nông sản Việt Nam (AGROMONITOR), hiện các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã phải mua nguyên liệu với giá tăng 15-20%, so với 2 tuần trước, thậm chí giá bột cá tăng trên 20% mà vẫn không có hàng mua.
Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc AGROMONITOR cho biết, quý 4/2009, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước vấp phải 3 nhân tố được cho là có thể gây sức ép tiêu cực đến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Một, tình trạng căng thẳng về nguồn cung ngô, khoai mỳ và cám gạo. Hai, Trung Quốc đẩy mạnh vét nguyên liệu khu vực biên giới với Việt Nam. Ba, đồng USD đang tăng nóng và thị trường đối mặt với tình trạng khan hiếm ngoại tệ.
Sự căng thẳng về thị trường thức ăn chăn nuôi có thể sẽ được xoa dịu một phần nhờ những thông tin tích cực về mức tăng sản lượng đáng kể của Hoa Kỳ, Argentina, Brazil, Nam Phi... Thông tin tích cực duy nhất của thị trường được đem đến bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khi cơ quan này liên tục đưa ra các dự báo lạc quan về mức sản lượng ngũ cốc dồi dào trên thế giới dành cho ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2009.
Tổng sản lượng ngũ cốc nguyên liệu phục vụ ngành thức ăn chăn nuôi của Hoa Kỳ năm 2009 dự báo đạt 395,8 triệu tấn, trong đó 346,2 triệu tấn là sản xuất mới và 47,1 triệu tấn là tồn kho từ đầu năm. Như vây, mức sản lượng này được dự báo tăng 21,9 triệu tấn (tương đương 5,86%) so với năm 2008. Một số nước sản xuất lớn khác cũng được dự báo tăng nguồn cung, đó là Argentina, Brazil, EU-27, Canada, Ukraina...
Tuy nhiên, những khó khăn mà thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước đang gặp phải có vẻ như nhiều hơn và nghiêm trọng hơn so với thông tin tích cực nói trên. Hạn hán kéo dài tại khu vực trồng ngô trọng điểm đã khiến Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới lại sụt giảm mạnh. Chính sự thiếu hụt nguồn cung nội địa đã dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh thu mua ngô tại các khu vực biên giới với Việt Nam, kéo theo cả tình trạng khan hàng tại thị trường trong nước.
Ngay tại Việt Nam, cuối năm không phải thời gian thu hoạch của nhiều loại ngũ cốc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, cám gạo. Do vậy, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ không có cơ hội đón nhận một lượng lớn nguồn cung trong nước. Hơn thế, diện tích canh tác nhiều ngũ cốc như ngô, sắn, khoai lang... tại các địa phương khu vực phía Tây Bắc và Nam Trung Bộ đang phải đối mặt với tình trạng bị thu hẹp trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đô thị hóa tăng nhanh và dịch bệnh phát triển. Đây rất có thể là còn là nguy cơ đối với nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong trung và dài hạn.
Triển vọng chưa thể sáng sủa
Hiện tại, thị trường ngoại hối Việt Nam đã bớt căng thẳng hơn. Sức ép đối với các doanh nghiệp trong việc xử lý mức chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và tỷ giá mà phần lớn các doanh nghiệp có thể tiếp cận được (chủ yếu trên thị trường tự do) đã được thu hẹp. Tuy nhiên, vấn đề ngoại tệ vẫn là sức ép dai dẳng đối với ngành thức ăn chăn nuôi. Trên thị trường ngoại hối Việt Nam, tỷ giá USD/VND trong nước tăng nhanh bất chấp sự sụt giá của đồng USD trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp nhập khẩu, mỗi tháng cần từ 3 - 4 triệu USD thanh toán, nhưng phía các ngân hàng thương mại chỉ đáp ứng được từ 30-50%. Phần còn lại hầu hết các doanh nghiệp phải tiếp cận từ thị trường tự do.
Sự tăng thuế đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được áp dụng từ 1/1/2010, đang và sẽ có tác động mạnh vào việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời điểm đầu năm 2010. Trong khi đó, triển vọng tại thị trường đầu ra của ngành thức ăn chăn nuôi chưa thực sự có dấu hiệu sáng trở lại. Mùa xuất khẩu thủy sản “thăng hoa” nhất của Việt Nam thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam được dự đoán là sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn và khó có khả năng đạt chỉ tiêu đã đề ra do hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của thuỷ sản Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Đối với chăn nuôi, các tháng cuối năm là thời gian người dân đẩy mạnh tái đàn gia súc nhằm chuẩn bị nguồn thực phẩm cung cấp cho dịp Tết Nguyên đán. Báo cáo ngành thịt quý 3 của AGROMONITOR cho hay: yếu tố nguồn cung bất ổn do vấn đề thịt nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, mưa bão gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung và miền Nam kết hợp với nhu cầu được dự báo tăng sẽ là những nhân tố đẩy giá thịt và thực phẩm tăng từ 6-8% giai đoạn cuối năm. Nhiều khả năng việc người dân tích cực tái đàn các tháng tới sẽ nâng nhẹ nhu cầu tiêu thụ thức ăn gia súc trong nước.