00:00 Số lượt truy cập: 3193431

Giấc mơ "ếch Triệu Phong chấm com" 

Được đăng : 03/11/2016
Đứng trong trang trại nuôi ếch trên cát trắng, anh nông dân Nguyễn Cận tâm sự: “Tôi còn nhớ như in chuyến về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của Tổng Bí thư Lê Duẩn sau ngày đất nước thống nhất. Nhìn cảnh hoang tàn, đổ nát của làng quê Triệu Phong (Quảng Trị) sau đạn bom của cuộc chiến tranh dài, bác Duẩn vẫn lạc quan động viên, căn dặn bà con quê hương cố gắng lao động sản xuất, tích cực tìm tòi hướng làm ăn mới để ngày càng giàu có, xứng đáng với mảnh đất trù mật của quê hương”.

Không nguôi khát vọng làm giàu
Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Hoàng Văn Quang tâm sự: Tôi là anh cán bộ đi lên từ cơ sở, đã từng trải qua nhiều cuộc chuyển đổi, đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, nhưng thực sự là cho đến tận bây giờ, nói cây gì, con gì trên đồng đất Triệu Phong cho thật chuẩn, thật chắc chắn e là vẫn còn khó. Anh hỏi tôi vì sao hạt gạo thơm xuất khẩu của Triệu Phong không đẩy lên thành đại trà để thu ngoại tệ? Để làm được hạt gạo xuất khẩu cần nhiều thứ, mà chỉ giao cho nguồn lực tự thân của nông dân là vô cùng khó. Cho đến nay, toàn tỉnh cũng chỉ mới có Triệu Phong dám đứng ra làm thí điểm lúa thơm xuất khẩu...".

Cũng như nhiều người đau đáu chuyện làm ăn của bà con nông dân khác, tôi hiểu sâu sắc những nghiệt ngã của "cây gì, con gì" trên mảnh đất quê hương. Những giấc mơ thành tỉ phú từ vịt, gà trang trại bỗng thành khói chỉ sau một trận dịch H5N1, rồi heo, bò cũng vậy, nếu không chết vì dịch thì cũng bán thấp hơn giá đầu vào... Làm ruộng thì chắc ăn hơn, nhưng mãi mãi chỉ... đủ ăn thôi bởi người làm nhiều - ruộng ít, gạo rẻ - phân bón, thuốc trừ sâu cao. Tôi về thôn Hà Tây, xã Triệu An - một trong 9 xã vùng cát ven biển của huyện lúa Triệu Phong. Tiếp tôi trong trang trại nuôi ếch là hai nông dân Nguyễn Cận và Trần Thị Thơ. Chị Thơ mở đầu câu chuyện: Vợ chồng chị cùng với vợ chồng anh Cận trước đây đã từng trải qua nhiều công việc làm ăn rồi, cây gì cũng từng trồng rồi, con gì cũng nuôi, buôn bán cả rồi.

Nhưng, việc làm ăn thật chẳng dễ dàng. Chị và anh Cận từng mở tại đây một Cty thu mua, chế biến thuỷ sản, giúp bà con trong vùng xuất khẩu mực trực tiếp ra nước ngoài, ngày thấp nhất cũng đến 2 tấn mực tươi. Công việc đang vào trớn, chạy rất ngon lành, bỗng đùng một cái biển cạn kiệt mực, toàn vùng chỉ thu mua đủ dùng cho các nhà hàng trong ngày. Thế là tiền tỉ cho kho tàng, máy móc, đầu tư trong dân mất trắng. Chồng chị và anh Cận buồn lo trước thất bại, uống say cả tuần liền. Khi cơn đau "mực xuất khẩu" dịu lại, chị - một người đã từng nuôi ước mơ đỗ vào đại học y khoa thành bác sĩ để giúp đồng bào vùng cát quê chị - đã mạnh mẽ lay hai người đàn ông tỉnh dậy: Phải bắt đầu lại! Sau nhiều ngày suy nghĩ, hai người đàn ông xách gói lên đường và họ mang về cho vợ... 10 con ếch giống trên tay.

100m2 cát - 12 triệu đồng
Dù vẫn đang nợ nần vì con mực, anh Nguyễn Cận vẫn tiếp tục vay tiền mua khu đất cát rộng 1.700m2 ngay trên đường về biển Cửa Việt để dựng trại nuôi ếch từ giữa năm 2005. Từ hai chuồng (mỗi chuồng rộng 6m2) ban đầu, đến nay trại ếch của anh đã có 66 chuồng. Năm 2006, anh đã xuất bán được 120 ngàn con giống cho nông dân trong vùng và ra các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình; riêng ếch thịt đạt gần 2 tấn. Thành công từ mô hình nuôi ếch trang trại đầu tiên ở Quảng Trị của anh Cận - chị Thơ đang làm nức lòng những người nông dân máu me làm giàu trong vùng. Đưa tôi đi xem những chuồng ếch con đang lớn, anh Cận nói: "Đầu tháng 3 âm này, trại tôi sẽ bắt đầu xuất giống đợt đầu tiên, hiện các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh đã đặt mua trên 200 nghìn con rồi. Đáp ứng đủ nhu cầu tôi có 160 triệu trong tầm tay. Riêng ếch thương phẩm, những tháng giáp Tết vừa rồi giá lên trên 50 ngàn một ký lô, gấp gần hai lần lúc bình thường, nhưng vẫn không có để bán. Trong khi một ký lô ếch thịt chỉ cần khoảng từ 22 đến 28 ngàn là người nuôi đã có lãi rồi. Các anh coi, dịch cúm đối với vịt, gà vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như ri thì con ếch của tôi sẽ còn lên ngôi nữa. Không cần phải kinh tế - kê tính chi nhiều, cả vạt đất cát ni, như năm ngoái anh em tôi mới khai thác sử dụng chưa đến ngàn mét vuông nhưng đã thu lãi trên cả trăm triệu đồng; nói thiệt cũng cả vạt đất cát ni đem trồng khoai, rau, cày xịt khói cũng chỉ trên dưới 1 triệu đồng/năm thôi".

Tôi đóng vai người kiểm tra hiệu quả mô hình "cây gì, con gì" đến những gia đình nuôi ếch trong vùng. Anh Truyền (thôn Phú Hội - Triệu An) nói: "Năm 2005, tôi nuôi chỉ gần 3.000 con ếch mua giống ở trại anh Cận, phát triển rất nhanh, sau hai tháng rưỡi đã bán, thu lãi gần 5 triệu đồng". Ông Nùng (phường 1, thị xã Quảng Trị) cũng cho biết: "Mua gần 13 ngàn con ếch giống ở trại anh Cận, năm ngoái lãi trên ba chục triệu đồng. Những người nuôi ếch trong vùng rất nể phục những hiểu biết kỹ thuật nuôi ếch sâu rộng, chắc chắn của anh Cận, họ nói rằng bất cứ lúc nào hễ ếch nuôi gặp sự cố, nhấc máy gọi anh Cận đều có mặt và xử lý rất hiệu quả, do vậy họ tin tưởng để triển khai nuôi ếch ngày một nhiều hơn".

Nông dân Nguyễn Cận (trái) đang mơ về website "ếch Triệu Phong chấm com".
Giấc mơ ếch Triệu Phong sang Mỹ
"Năm ngoái, tôi đã "nối mạng" được với một doanh nghiệp ở Nha Trang để xuất khẩu thịt ếch sang thị trường Mỹ, Australia, làm gần chục kýlô hàng mẫu gửi đi, người ta OK. Đến khi Cty đầu mối yêu cầu tối thiểu mỗi ngày nhập 2 tấn ếch thương phẩm thì tôi bắt đầu... bó tay. Việc nuôi ếch trên địa bàn chỉ mới khởi sự được gần hai năm lại đây thôi, chưa thành phong trào, thịt ếch bán cho thị trường trong nước dù chưa thật ổn định, nhưng nhìn chung là cung còn thấp hơn cầu, đặc biệt là những tháng mùa đông thì rất thiếu do nuôi khó, làm sao đủ lượng để thu mua xuất khẩu" - anh Cận nói. Tiếng lành đồn xa, cuối năm 2005, anh Cận được tổ chức tài trợ quốc tế của Chính phủ Thụy Điển tại dự án mang tên "Chia sẻ" đang triển khai ở những xã nghèo của tỉnh Quảng Trị mời đi giảng dạy về kỹ thuật nuôi ếch cho bà con nông dân. Thạc sĩ Dương Đình Dũng - chuyên gia của dự án này - đánh giá rất cao khả năng và kinh nghiệm thực tiễn về con ếch, nuôi ếch của nông dân Nguyễn Cận. Ông Dũng: "Việc nuôi ếch nếu gắn với một đầu ra ổn định sẽ là một cơ hội mới cho người nghèo, đặc biệt là người nghèo đang sinh kế trên cát". 

Ý tưởng về việc hình thành một hiệp hội những người nuôi ếch tại Quảng Trị để đẩy nhanh số lượng nuôi và liên kết để xuất khẩu do anh Cận đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của một số người nuôi ếch trong vùng. Tại xã Triệu Tài, một nhóm cử nhân nuôi ếch gồm ba chàng trai cùng sinh năm 1980 là Trần Lê Linh (kỹ sư chế tạo máy), Phan Trung Thành (quản trị kinh doanh) và Bạch Ngọc Ánh (kinh tế kế hoạch) sau một năm nuôi thí điểm thu được 3,5 tấn ếch thương phẩm và 11 ngàn ếch con giống đã quyết định tăng số lượng sản xuất giống lên 100 ngàn con giống trong năm nay. Đồng thời, họ đang xúc tiến dự án đầu tư công nghệ sản xuất thức ăn cho ếch, khép kín quy trình kinh doanh. Thành nói: "Thực tiễn cho thấy phát triển mạnh ếch thương phẩm để xuất khẩu như ý tưởng của ông Cận ở Triệu An là hoàn toàn khả thi. Chúng tôi không còn trẻ nữa, nhưng có vẻ như người ta vẫn còn dè dặt. Việc vay vốn, xin đất để hình thành trại nuôi ếch vẫn còn khó khăn. Tôi nghĩ trở lực lớn nhất của giấc mơ làm giàu từ con ếch là nhận thức".

Đãi tôi một bữa thịt ếch và rượu làng trên cát Triệu An, anh Cận - chị Thơ vẫn không hề nguôi ngoai khát vọng biến đổi vùng cát quê hương thành giàu sang. Cầm cái đùi ếch béo ngậy, thơm nức, anh Cận "ba hoa": "Ngon hơn thịt gà mà chỉ rẻ bằng 1/3 thịt gà thôi. Êậch nuôi trên vùng cát Triệu Phong, Quảng Trị quê miềng thịt chắc, thơm ngon hơn nuôi nơi khác vì ở đây nhiều nắng, nguồn nước nuôi ếch được bơm từ độ sâu gần ba chục mét, có độ mặn từ 3 - 5 phần nghìn nên con ếch tránh được các bệnh về đường ruột, khả năng đề kháng rất cao". Đã khuya, dù rất buồn ngủ, tôi không sao chợp mắt được vì tiếng kêu của những con ếch đực, vậy mà anh Cận vẫn thủ thỉ: "Cứ nghĩ mãi chuyện một ngày nào đó con ếch quê miềng được đóng gói, gắn nhãn hiệu "Ếch Triệu Phong", được xuất sang Mỹ, Australia và các nước, rồi tiến tới lập hẳn một website "ếch Triệu Phong chấm com" trên mạng Internet toàn cầu, lòng tôi không sao... yên nổi! .