00:00 Số lượt truy cập: 2638211

“Giải cứu” trái cây miền Bắc 

Được đăng : 03/11/2016
Được mùa -mất giá, trồng-chặt, điệp khúc này đã lặp đi lặp lại đối với nhiều loại nông sản của nước ta, trong đó có trái cây. Miền Bắc có nhiều loại trái cây ngon, đặc trưng của xứ nhiệt đới có một mùa đông lạnh nhưng do chưa có quy hoạch phát triển nên tiềm năng này vẫn còn bỏ ngỏ. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức một hội nghị bàn cách “giải cứu” cho mặt hàng này.

Sợ... cây chủ lực

Theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), để các loại cây ăn quả phát triển có định hướng nhằm mang lại giá trị cao nhất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra Đề án quy hoạch phát triển rau quả và hoa, cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020; các tỉnh bước đầu đã có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất tập trung một số loại cây ăn quả chủ lực nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo sản lượng hàng hoá lớn như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang); nhãn lồng Hưng Yên, Quốc Oai (Hà Nội), cam sành Hà Giang... Theo đó, mỗi năm, miền Bắc mở rộng diện tích cây ăn quả thêm 8,9%, thậm chí là 15% như ở Bắc Giang, Lạng Sơn..., nâng tổng diện tích cây ăn quả khu vực này lên 314.600ha, chiếm 40% diện tích cây ăn quả cả nước. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây ăn quả đã được cải thiện đáng kể. Năm 2007, năng suất bình quân đạt 10 tấn /ha, tăng trên 40% so với năm 2002. Tuy nhiên, chính điều này khiến cho việc tiêu thụ các loại trái cây của miền Bắc gặp khó. Gần đây, tại Hà Giang, hàng chục tấn cam đã phải đổ đi khi bà con thu hoạch mà không biết bán cho ai. Nhiều hộ ngậm ngùi chặt bỏ vườn cam. Nguyên nhân không gì khác chính là do bà con đổ xô trồng khi cam được giá, xé cả quy hoạch, làm cho diện tích cũng như sản lượng tăng vọt. Trong khi đó, cam Trung Quốc tràn vào ồ ạt, giá rẻ hơn 30-40%. Ngay đến vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), loại quả đặc sản nổi tiếng nhưng mấy năm gần đây cũng bán với giá rẻ “như bèo”. Người dân đã nghĩ ra cách sấy khô nhưng kết quả là... vẫn không tiêu thụ được. Những hệ lụy này có nguyên nhân rất lớn là do người nông dân “xé” quy hoạch, trồng theo phong trào. Chính vì thế, tại nhiều nơi, nông dân bắt đầu thấy sợ... cây chủ lực.

Bà Nguyễn Thị Định, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang cho hay, lâu nay cam, quýt được coi là cây chủ lực, xoá đói giảm nghèo của tỉnh, sản lượng cam sành đạt tới 18.000 tấn /năm nhưng lại không có thị trường ổn định. Nông dân vẫn phải tự tiêu thụ và lưu thông qua tư thương nên thường xuyên bị ép giá.

Trái cây chủ lực một thời cần phải xem xét lại.

Chế biến gặp khó

Theo ông Thông, hiện có tới 90% hoa quả sau khi thu hoạch chỉ tiêu thụ bằng hình thức bán tươi bởi kỹ thuật bảo quản lạc hậu. Đa phần hoa quả đưa từ miền Bắc vào miền Nam chỉ được đóng thùng xốp, cho lên xe tải, do đó chỉ bảo quản được trong khoảng thời gian ngắn (vải, nhãn, chuối 3 - 4 ngày; dứa, xoài khoảng 5 - 7 ngày; cam, quýt 15 - 20 ngày). Do đó, nông dân không những phải bán giá rẻ mà còn chịu hao hụt lên tới 15- 20%. ông Đoàn Xuân Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông -lâm-thủy sản và Nghề muối cho biết, hiện phương tiện vận chuyển trái cây chuyên dùng còn thiếu, chủ yếu vẫn là xe tải, toa xe và ghe xuồng thông thường. Hơn nữa, do bao gói vận chuyển không thích hợp nên đã làm chất lượng trái cây bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến giữ vai trò rất quan trọng thì lại chưa phát huy được hiệu quả. Các nhà máy chế biến đều chưa hoạt động hết công suất, trung bình chỉ đạt 30%. Riêng vải thiều, do đặc điểm chín tập trung, thời gian thu hoạch rộ rất ngắn (chỉ 20 ngày) nên dù các nhà máy chế biến đồ hộp làm việc 2- 3 ca/ngày cũng chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ.

Bà Định cho biết, dù sản lượng cam rất lớn nhưng hiện tỉnh vẫn chưa có nhà máy chế biến nào được xây dựng. Trong khi một số nhà máy lại đang trong tình cảnh “bất lực” vì nhiều loại trái cây không đảm bảo chất lượng. ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Rau quả, nông sản Việt Nam, than: “Công nghiệp chế biến cam rất khả thi do thị trường tiêu thụ rộng nhưng cam trong nước có nhiều hạt, nếu ép cả hạt, nước sẽ đắng, không đảm bảo chất lượng. Còn nếu tách bỏ hạt thì vừa tốn kém lại gây hao hụt. Hiện, trái cây trong nước đang trong tình cảnh ế ẩm còn chúng tôi lại đi nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Đây là một nghịch lý cần xem xét”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng đã yêu cầu ngành trồng trọt cần nhanh chóng nhập khẩu giống cam không hạt để thay thế dần diện tích cam nhiều hạt hiện nay ở nước ta. “Có thể bỏ qua khâu khảo nghiệm. Bởi các nước đã trồng hàng chục năm nay rồi và hiệu quả đã rõ, chúng ta không việc gì phải đầu tư quá tốn kém vào khâu khảo nghiệm nữa”, ông Bổng nhấn mạnh.

Chuối sẽ là cây chủ lực?

Hiện nay, việc xác định loại cây nào là thế mạnh của miền Bắc đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, vải, nhãn, cam... không còn thể hiện được vai trò thế mạnh, do đó không nên khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, thậm chí nếu cần có thể giảm. Ngay tại tỉnh Bắc Giang, diện tích vải cũng đã được xác định giảm từ 39.945ha xuống còn 35.000ha vào năm 2010. Để tránh tình trạng đổ xô trồng cây ăn quả theo phong trào, ông Thông cho rằng, mỗi tỉnh chỉ nên chọn trồng 1 - 2 loại cây chủ lực để không gặp phải những rủi ro như hiện nay, thậm chí những trái cây đặc sản của các tỉnh nếu cần thiết có thể chỉ nên tập trung vào khâu bảo tồn.

Theo ông Vũ Mạnh Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, hiện chuối là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được nhiều nước ưa chuộng. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu chuối của nước ta sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ không nhỏ, chưa bao giờ mặt hàng này lâm vào cảnh được mùa, mất giá. Do đó, chuối có thể được coi là cây chủ lực mà các tỉnh nên quan tâm.