Tình trạng khai thác quá mức đã và đang dẫn đến hậu quả là nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế quý hiếm ở vùng ven bờ đang bị đe dọa tuyệt chủng, đời sống của nhiều ngư dân bị ảnh hưởng nặng. Vì vậy, bảo vệ, khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản và khai thác hợp lý để phát triển bền vững đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với ngành thủy sản.
Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản
Thời gian qua, ngành thủy sản đã có nhiều động thái tích cực. Trước tiên phải kể đến việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản như Luật Thủy sản (2003) cùng các văn bản hướng dẫn luật... nhằm tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác này. Tiếp đến là việc triển khai các chương trình, dự án như: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QÐ 131/2004/QÐ-TTg); Thành lập quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam (QÐ 29/2007/QÐ-TTg); Ðề án bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng...
Nhờ vậy, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được tổ chức dưới nhiều hình thức như thả bổ sung giống vào tự nhiên nhằm làm tăng mật độ quần thể của các loài giống thủy sản đã bị khai thác quá giới hạn cho phép, trong đó phải kể đến phong trào thả tôm sú xuống biển, các loại cá nước ngọt xuống các hồ, sông; di nhập giống thủy sản nước ngoài vào Việt Nam và nuôi thành công ở nhiều địa phương. Tại khu vực miền bắc, Nam Ðịnh được coi là tỉnh dẫn đầu trong công tác nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn 2006 - 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng bình quân 2,4%/năm, sản lượng tăng 11,2%/năm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2009 toàn tỉnh là 84 nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm tới 46 nghìn tấn. Ðặc biệt Nam Ðịnh đã thành công trong việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, sản xuất muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản.
Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản tỉnh Nam Ðịnh Trần Công Khôi cho biết: Từ năm 2006 đến 2010, tỉnh đã phê duyệt 22 dự án chuyển đổi ruộng đất sang nuôi trồng thủy sản, nâng tổng số dự án chuyển đổi giai đoạn 2001 - 2010 lên 37 dự án với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Trong điều kiện khó khăn về vốn, nhiều chủ dự án đã huy động tổng lực các nguồn vốn, nên dự án sớm đi vào hoạt động và bước đầu phát huy hiệu quả như: Dự án Xuân Vinh, Xuân Hòa (Xuân Trường); Hải Triều, Tân Phú, Hải Ðông, Hải Châu (Hải Hậu), Bạch Long, Giao Long (Giao Thủy)... Tính đến thời điểm này, Nam Ðịnh có 24 trại sản xuất giống hải sản với công suất 800 - 900 triệu tôm sú P15/năm, 70 - 100 triệu cua bột, 500 - 700 triệu ngao giống/năm. Nếu như trước đây, cua và ngao giống chủ yếu được khai thác tự nhiên và nhập từ tỉnh khác thì hiện nay Nam Ðịnh đã tự sản xuất được giống, đủ cung cấp nhu cầu trong tỉnh và đáp ứng một phần nhu cầu của các tỉnh khác. Ngoài ra, nhiều giống mới cũng được đưa vào sản xuất giống nhân tạo như cá lăng chấm, cá chim trắng, cá rô đồng...
Ngoài công tác nuôi trồng, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, những năm vừa qua, nhiều địa phương đã có những chính sách khuyến khích đánh bắt xa bờ để vừa tăng sản lượng hải sản có giá trị kinh tế cao vừa có tác dụng bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ thông qua một loạt các chương trình như trợ giúp tiền dầu, tiền máy, trợ giúp đầu tư cho các phương tiện nghề cá theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ...
Khó khăn và kiến nghị
Những động thái tích cực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản những năm vừa qua là đáng ghi nhận. Nhưng nhìn chung công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ngay như việc nuôi trồng - một yếu tố chính để bảo vệ nguồn lợi thủy sản - cũng chưa được đầu tư đúng mức. Ðơn cử như ở Hải Phòng, tiềm năng nuôi trồng là rất lớn nhưng khi triển khai lại gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Quyết định 224 của Chính phủ, thời gian qua thành phố cũng lập tới sáu vùng nuôi tại các khu: Ðình Vũ, Tràng Cát, Ðồ Sơn, Kiến Thụy, Vũ Yên, Phù Long... nhưng đến nay không thực hiện được vì các vùng này đang nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp và đô thị. Trong khi đó các vùng nuôi tự phát thì không được đầu tư về cơ sở hạ tầng, năng suất có đạt được cũng chỉ một đến hai mà không bền vững vì không có kinh phí cải tạo, phát triển vùng nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Hải Phòng Ðào Viết Thuận cho biết: Thủy sản đầu tư 20 năm mới thu hồi được vốn, trong khi công tác nuôi trồng thủy sản hiện nay rất khó khăn. Ngoài yếu tố dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường thì vấn đề quy hoạch ổn định vùng nuôi là rất cần thiết. Có quy hoạch vùng nuôi mới đầu tư được cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển các loài giống thủy sản. Hải Phòng hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp nên các dự án nuôi trồng đang bị thu hẹp hay phải dừng lại.
Không chỉ Hải Phòng, Cà Mau là tỉnh mạnh về nuôi trồng thủy sản phía nam thì quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cũng rất chậm trễ. Cụ thể trong lĩnh vực nuôi tôm sú công nghiệp giai đoạn 2005 - 2010, Cà Mau quy hoạch nuôi 11 nghìn ha. Theo quy hoạch chung, phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau tập trung dọc hai bờ sông Cửa Lớn, nằm trên địa bàn hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch, nhưng tính đến giữa năm 2009, Cà Mau chỉ mới có khoảng 1.180 ha thả nuôi và phần lớn diện tích do hộ dân tự đầu tư nuôi với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Ðiều đó cho thấy tỉnh đang thiếu quy hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, thiếu những giải pháp đồng bộ, chưa đầu tư cụ thể và sự phối hợp thực hiện của các ngành hữu quan còn hạn chế.
Không chỉ khó khăn về vùng nuôi, vốn cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến công tác nuôi trồng. Một chủ trại sản xuất giống ngao, tôm thẻ chân trắng ở huyện Giao Thủy, Nam Ðịnh chia sẻ: Thực tế chúng tôi có thể phát triển mạnh hơn nữa trại giống của mình vì nhu cầu nhiều và nguồn nhân lực cũng sẵn có nhưng lại đang gặp khó khăn về vốn. Thí dụ, nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi ha đầu tư 700 - 800 triệu đồng thì cho năng suất rất cao, nhưng chúng tôi chỉ có khoảng 200 - 300 triệu đồng đầu tư. Chúng tôi không có nhiều vốn, mà vay ngân hàng thì lãi suất cao mà vay ưu đãi thì các thủ tục rất phức tạp.
Còn phát triển đánh bắt xa bờ để bảo vệ nguồn lợi gần bờ, mặc dù có chính sách hỗ trợ nhưng trên thực tế, ngư dân tiếp cận với các nguồn hỗ trợ này cũng rất khó khăn và nhiều bất cập. Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hải, thị xã Ðồ Sơn, Hải Phòng Lưu Ðình Xây nêu thí dụ: Nhà nước có cơ chế cho vay ưu đãi mua máy chạy tàu nhưng lại yêu cầu ngư dân phải mua đúng chủng loại, máy mới 100% với giá khoảng 300 - 400 triệu đồng/chiếc thì mới được nhận tiền hỗ trợ, trong khi người dân chỉ cần mua máy cũ của Nhật còn khoảng 80 - 90% nhưng giá chỉ bằng gần 1/3 mà chất lượng vẫn bảo đảm. Rõ ràng cơ chế có nhưng chưa "hợp lòng dân" nên ngư dân chưa mấy mặn mà. Nếu cơ chế thoáng hơn một chút nữa thì bà con ngư dân sẽ phát triển đội tàu rất nhanh, nhất là những tàu có công suất lớn, đủ điều kiện đánh bắt xa bờ cũng tăng với tốc độ gấp nhiều lần hiện nay, góp phần hạn chế đánh bắt gần bờ.
Có thể khẳng định, những năm qua công tác khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, thể hiện bằng việc ban hành một loạt hệ thống văn bản pháp luật liên quan thủy sản. Nhưng trên thực tế, các văn bản đó mới chỉ chủ yếu tập trung điều chỉnh các hoạt động theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiều hơn là bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Một số chính sách khi đi vào cuộc sống bộc lộ nhiều bất cập, cần bổ sung, điều chỉnh lại cho phù hợp, như các chính sách về phát triển vùng nuôi, trợ giúp vốn cho ngư dân... Rà soát lại các văn bản còn chồng chéo hoặc không phù hợp, đồng thời loại bỏ hoặc kéo dài chính sách cho phù hợp thực tế triển khai. Như đề nghị của nhiều địa phương là các chính sách trợ giúp phát triển nuôi trồng thủy sản theo Quyết định 224/QÐ-TTg của Chính phủ giai đoạn 2000 - 2010 sắp kết thúc cần kéo dài thêm thời gian vì đang từng bước phát huy hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đều thiếu vốn triển khai các chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nên rất cần sự quan tâm từ phía Trung ương thông qua chính sách kích cầu nông nghiệp nói chung, hoặc các chính sách cho nội bộ ngành. Tuy nhiên, khi có sự hỗ trợ về vốn rồi thì cần có sự thông thoáng về cơ chế thủ tục cho vay từ phía ngân hàng để ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, tránh trường hợp dân khát vốn nhưng tiền cứ nằm "chết cứng" ở ngân hàng vì quá nhiều thủ tục rườm rà.
Bên cạnh đó, cần đổi mới sự phân công, phân cấp trong quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa quản lý theo ngành, vùng, miền một cách minh bạch, rõ ràng nhằm phát huy được hiệu quả, khắc phục tình trạng hạn chế về nguồn nhân lực và các phương tiện kỹ thuật kiểm tra, giám sát.
Nguồn lợi thủy hải sản của Việt Nam đa dạng và phong phú với giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác theo kiểu tận thu và không có chiến lược bảo vệ và phát triển dài hạn thì nguy cơ cạn kiệt là khó tránh khỏi. Vì vậy, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chính là bảo đảm đời sống cho một bộ phận lớn ngư dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh vùng biển một cách bền vững.