Vừa qua, một hội thảo mang tên “Thực trạng và giải pháp đối với lao động bị mất việc làm do suy giảm kinh tế” đã được Bộ LĐTB & XH tổ chức, với mong muốn tìm ra một hướng đi hợp lý nhất cho tình trạng cắt giảm lao động hiện nay. Tuy nhiên, chính những người làm trong ngành lao động cũng vẫn còn lúng túng. Theo ông Lê Quang Trung, phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐTB&XH), tổng hợp từ báo cáo của 48 Sở LĐTB&XH, tính từ quý I năm 2009 đến nay đã có 1.264 doanh nghiệp gặp khó khăn với số lao động bị mất việc làm là 64.897 người, chiếm 10% lao động làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó, số lao động nữ bị mất việc làm là 21.654 (chiếm 33,3% tổng số lao động bị mất việc làm), lao động thiếu việc làm là 38.914 người. Các tỉnh, thành phố có số lao động bị mất việc làm cao nhất tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh 15.548 người, Hà Nội 13.245 người, Bình Dương 8.002 người, Đồng Nai 5.460 người, Hải Phòng 4.053 người... Các ngành có số lượng lao động mất việc làm, thiếu việc làm nhiều nhất là dệt may, da giày, chế biến hải sản, chế biến nông sản.
Ngoài ra, ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các làng nghề số lao động mất việc cũng lớn. Như làng nghề La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức) trước thời kỳ khủng hoảng, với hơn 97 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và trên 1.000 hộ gia đình sản xuất kinh doanh, hàng năm La Phù giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động, hiện nhu cầu sử dụng lao động tại La Phù đã giảm 50 - 70%. Theo ông Trung, trong những tháng tới dự báo số lao động mất việc làm trên phạm vi toàn quốc là khoảng 300.000 người.
Sau khi nghe những số liệu của Bộ đưa ra, nhiều đại biểu lại băn khoăn: Đây có thực sự là con số chính xác về tình trạng mất việc tại các doanh nghiệp. Có hay không tình trạng doanh nghiệp không báo cáo nên các cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp “thổi phồng” tình trạng mất việc để “thay máu” lao động? Đây là những vấn đề cần được xác tín chứ không chỉ trông chờ báo cáo của ngành lao động.
Nhiều người cho rằng, giải pháp quan trọng nhất lúc này là kích cầu thông qua xây dựng cơ bản, thực hiện kích cầu các ngành thép, vật liệu xây dựng... nhằm thu hút nhiều lao động, đặc biệt lao động chưa qua đào tạo và những lĩnh vực, ngành nghề cần nhiều lao động. Bên cạnh đó là hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc hoãn thuế, giảm thuế...
Một giải pháp được cho là tích cực nhất cũng làm nhiều người băn khoăn vì chưa đáp ứng thực tế là quyết định 30 về việc hỗ trợ người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Sau hơn 3 tháng thực hiện quyết định này, ngành lao động đã cung cấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam danh sách 350 doanh nghiệp cần hỗ trợ 166,7 tỉ đồng để trả cho gần 40.000 lao động mất việc. Nhưng qua thẩm tra của ngân hàng, chỉ có 6.447 lao động ở 49 doanh nghiệp cần hỗ trợ hơn 28 tỉ đồng. Thực tế, cũng mới có 4 doanh nghiệp trong cả nước được hỗ trợ vay vốn hơn 4,4 tỉ đồng để trả lương, trợ cấp mất việc cho 739 lao động.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục việc làm cho rằng: Hiện các địa phương đều ở trong tình trạng tự xoay sở để giải quyết lượng lao động mất việc do suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra đều mang tính tạm thời. Ông cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tính kỹ trước khi sa thải hoặc cắt giảm lao động vì thực tế gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng và phục hồi sản xuất nhưng lại thiếu lao động trầm trọng. Trong khi đó, thời gian để tuyển nguồn lao động mới và đào tạo lại rất mất thời gian.
|