00:00 Số lượt truy cập: 2995762

Giải pháp tăng thu nhập cho người trồng mía 

Được đăng : 03/11/2016
Nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình trồng xen cây màu trên rẫy mía mà đã giúp cho không ít hộ dân ở xã Tân Phước Hưng (Phụng Hiệp - Hậu Giang) có được khoản thu nhập đáng kể trong giai đoạn đầu vụ mía hàng năm.

Tân Phước Hưng là vùng chuyên canh mía lớn của huyện Phụng Hiệp, cũng như của tỉnh, với diện tích khoảng 2.500ha. Phần lớn nông hộ trong xã vì thế sống chủ yếu dựa vào loại cây trồng mà mỗi năm chỉ canh tác được một vụ này. Từ đó, cuộc sống cư dân nơi đây phụ thuộc rất lớn vào giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu hàng năm. Ông Nguyễn Văn Y, ở ấp Thành Viên, trăn trở: “Niên vụ vừa qua, giá cả bấp bênh, chưa kể là chi phí nhân công thu hoạch tăng hơn năm trước nên người trồng mía đạt lợi nhuận thấp, đủ trang trải chi phí trong nhà đã là may mắn lắm rồi, chứ nói gì đến chuyện làm giàu”.

Đến nay, nỗi trăn trở của ông Y đã phần nào được giải tỏa, khi mà ông đón nhận niềm vui “trúng mùa, được giá” rẫy dây ngay từ những ngày đầu chuẩn bị đào hộc xuống giống niên vụ mía mới. Bởi 2 giàn khổ qua, bí đao được trồng dọc mé mương liếp nằm xen trên diện tích 12 công mía của gia đình mình đang thu hoạch các lứa trái đầu tiên. Hiện thương lái đến tận rẫy ông Y thu mua sản phẩm với mức giá 3.000 đồng/kg bí đao, và 8.000 đồng/kg khổ qua. Khả năng còn tăng thêm vì thông thường sau khi kết thúc mùa nước lũ là sản phẩm nông sản hút hàng. Như vậy, cứ cách nhau vài ngày là hộ ông Y có thể thu vào bạc triệu nhờ xuất bán cả tấn bí đao, khổ qua thương phẩm.

Giàn khổ qua của gia đình ông Nguyễn Văn Y hứa hẹn cho lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Ông Y ước tính: “Với mức giá khá cao như thế, thì chỉ tính riêng giàn khổ qua năm nay sẽ mang về cho gia đình tôi khoản lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng”. Cũng với mục đích “lấy ngắn nuôi dài”, trang trải chi phí gia đình trong khoảng thời gian dài chăm sóc rẫy mía cả chục tháng trời nên không chỉ có hộ ông Y, mà nhiều hộ dân khác ở các ấp thuộc xã Tân Phước Hưng, trong đó có ấp Thành Viên, Mỹ Thạnh đã đẩy mạnh trồng xen màu như khổ qua, dưa leo, bí đao,… dọc mé mương liếp mía giúp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Cách làm hiệu quả này đã được ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp Thành Viên áp dụng liên tục trong 4 năm qua.

Hộ ông Dũng có gần 4 công đất mía. Cho nên, 4 năm trước đây, cuộc sống gia đình thường thiếu trước hụt sau. Từ khi thực hiện mô hình trồng rẫy dây dọc mương liếp mía đã giúp gia đình ông Dũng kiếm thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi năm. Ông Dũng khẳng định: “Trồng rẫy dây có phần nhọc công, nhưng đổi lại người dân có được khoản thu nhập đáng kể ngay từ đầu vụ. Tận dụng số tiền này người trồng mía có thể trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trong nhà, kể cả tiền mua giống, phân, thuốc phun xịt. Thay vì phải chi trả số tiền lãi không nhỏ cho các đại lý vật tư nông nghiệp do mua thiếu phân, thuốc kéo dài trong suốt niên vụ sản xuất mía”.

Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng Phan Hồng Phước cho biết: Những năm gần đây, người dân đã biết áp dụng mô hình trồng xen canh giữa mía và rẫy dây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao trên cùng một đơn vị diện tích. Từ một vài hộ tự phát ban đầu, đến nay toàn xã đã có hơn 400 hộ trồng mía xen màu, kể cả rẫy dây như bắp, dưa leo, bầu, khổ qua... Với hiệu quả kinh tế mang lại, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình, góp phần giải quyết việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo. Cụ thể là trước khi bước vào niên vụ mía 2014-2015, xã đã tiến hành động viên, tuyên truyền để người dân tiếp tục mở rộng thêm khoảng 100ha đất trồng mía tại địa phương.

Theo kinh nghiệm của các hộ trồng xen màu trên đất mía ở xã Tân Phước Hưng thì trồng rẫy dây xen trên liếp mía, ngoài việc tăng thêm thu nhập, các mé liếp ít bị lở, thì chi phí phân bón cho mía cũng ít hơn, vì được thụ hưởng lượng phân khi bón cho cây trồng trước đó.

NGUYỄN NGUYỄN