00:00 Số lượt truy cập: 2669793

Giảm dịch hại trên cây ăn trái 

Được đăng : 03/11/2016
Trong giai đoạn cây mang trái một số đối tượng dịch hại nguy hiểm buộc người dân phải có giải pháp chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp khác nhau.


Giai đoạn cây mang trái là thời điểm dịch hại tấn công nhiều nhất, nhà vườn cần có giải pháp phòng ngừa

Trong khi đó nhiều người dân chưa hiểu được đặc tính sinh sống gây hại của các loài này nên không áp dụng được các biện quản lý tổng hợp theo khuyến cáo, người dân chỉ áp dụng biện pháp phòng trừ ở giai đoạn cây mang trái, hầu như không quan tâm đến biện pháp giảm mật số của chúng trên vườn cây.

PGS.TS Trần Văn Hai, khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, đối với những vườn cây đang mang trái thường xuất hiện 3 nhóm nhện gây hại chính: Nhện đỏ bò ngang như cua, trên cơ thể có màu đỏ hồng, có thể nhìn bằng mắt thường, miệng có kim chích hút trái làm trái bị sằn (da cám, da lu); nhện vàng kích thước nhỏ và phải soi bằng kích lúp, tấn công làm trái đen vỏ, biến màu; nhện trắng thì thường tấn công trên lá non, lúc cây mới đâm chồi.

Các loại nhện này gây hại làm vỏ trái bị đổi màu, chất lượng trái không đổi nhưng khi thu hoạch đem bán thì giá trị thương phẩm sẽ giảm. Loại nhện gây hại nặng nhất vào mùa khô, sang mùa mưa sẽ giảm dần.

“Khi nắm được các quy luật phát triển sinh thái sẽ điều khiển và giảm bớt tác hại của nhện trên vườn cây ăn trái, thay vì xịt thuốc làm ảnh hưởng đến thiên địch có lợi. Nên dùng nước tưới đậm và tưới phun sương thì nhện sẽ giảm, hoặc theo khuyến cáo từ các nhà khoa học bà con làm vườn nên trang bị kính lúp độ phóng đại lên khoảng 20 - 30 thì có thể quan sát được trên vườn có nhện hại hay không, từ đó mới đưa ra quyết định có nên dùng thuốc BVTV không”, ông Hai nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Hai, thông thường trên vườn cây ăn trái thiên địch và dịch hại cũng có mối quan hệ qua lại với nhau, đặc biệt là mối quan hệ hữu cơ bền vững, cây ăn trái sống lâu năm nên hệ thiên địch rất bền. Trong đó có nhiều loại thiên địch và dịch hại cùng chung sống với nhau, nếu làm gãy mối quan hệ này thì dịch hại sẽ gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Vì vậy cần cân bằng giữa các hệ sinh vật để có hướng phòng ngừa thích hợp.

Khi trồng cây ăn trái trong mùa nắng ngoài nhện ra thì còn rất nhiều loài dịch hại phát triển và gây hại như bọ chỉ rất khó để phát hiện sớm. Bọ chỉ thường sinh sống trên lá non và đeo ở phần cuốn trái, chích hút làm vỡ túi tinh dầu ở vỏ trái cam hoặc bưởi, khi trái lớn sẽ để lại vết xẹo trên lá đài của trái cam và bưởi, làm trái cây mất giá trị, giảm giá trị kinh tế.

Đây cũng là một trong những nhóm dịch hại kháng thuốc, vì vậy cần tuân thủ theo quy tắc bón đúng, ngoài ra dùng vồi bơm áp lực để tạo ẩm độ cho vườn, tẩy rớt bọ chỉ, làm giảm mật số của nó trên trái non, lá non.

BẢO YẾN – DUY TÂN