00:00 Số lượt truy cập: 2659942

Giảm hao phí trong thu hoạch nông sản ở miền núi 

Được đăng : 03/11/2016
Quá trình thu hoạch và bảo quản nông sản quyết định đến giá thành sản phẩm. Trong khi đó, ở vùng cao, bà con lại ít chú ý đến công đoạn này. Sau đây là nguyên nhân và cách khắc phục.

Tập quán thu hoạch muộn


Trong mùa khô, một số hộ nông dân có thói quen thường cắt và xếp rải, phơi lúa, ngô, đậu tương trên ruộng quá từ 1-2 ngày cho chín già, để cây khô, đập nhẹ hạt rễ rụng. Tuy nhiên, làm như vậy tỉ lệ hao phí hạt cao do rơi rụng nhiều và là điều kiện cho chim, chuột phá hại, đặc biệt là khi xay xát hạt dễ bị nát do sự biến động về nhiệt độ và ẩm độ giữa ban ngày trời nắng, ban đêm có sương làm hạt nhả rồi hút ẩm nhiều lần và tạo điều kiện cho nấm mốc, mối, mọt... phát triển. Cho nên, bà con cần thu hoạch lúa đến đâu đập tuốt ngay đến đó. Ngô, đậu tương thu hoạch xong thu về phơi ở sân xi măng, cót...


Với một số loại nông sản như: các giống lúa lai sau trồng 4-4,5 tháng là thu hoạch, ngô lai sau trồng 3-3,5 tháng là thu hoạch, đậu tương sau trồng 3 tháng...


Đối với lúa lai: Tỷ lệ hạt chắc cao, trọng lượng hạt nặng hơn so với lúa địa phương, nếu để lúa quá chín, những hạt ở đầu bông lúa rất dễ bị rụng. Bà con cần thu hoạch đúng thời gian quy định là khi có 80% hạt trên bông đã chín hoặc khi thấy hạt thóc vàng đều hay 2/3 số lá trên cây lúa chuyển sang màu vàng là thu hoạch ngay.


Đối với các giống ngô lai: Ưu điểm là cho năng suất cao gấp 2-3 lần so với giống ngô ta nhưng rất dễ bị thối, lên men, mọc mầm, mốc trắng... nếu để quá 5 ngày trên nương. Bà con nên thu hoạch khi thấy lá đã vàng và chuẩn bị khô hoặc khi tách hạt thấy chân hạt có chấm đen.


Đối với đậu tương: Do hàm lượng dầu và tinh bột cao, các loài mối, mọt rất ưa thích, do đó cần thu hoạch khi thấy 1/2 số quả trên cây có vỏ khô, hoặc 2/3 số lá chuyển sang màu sẫm, hay 2/3 số lá trên thân đã rụng và lắc quả có tiếng kêu, cần thu hoạch ngay.


Gieo đồng loạt, khi thu hoạch thiếu lao động


Điều này thường xảy ra ở những hộ trồng diện tích lớn. Do đó, trong quy trình kỹ thuật khuyến cáo bà con gieo trồng trong khoảng thời gian như: khoai lang vụ xuân trồng từ 2 - 1 đến 20- 2, vụ đông trồng từ 15- 9 đến 20- 10; lúa lai vụ mùa vùng cao gieo từ 5- 5 đến 25- 5, vùng thấp gieo từ 5- 6 đến 25- 6. Việc bố trí thời vụ đúng quy trình kỹ thuật là để sắp xếp nhân lực lao động phù hợp, đây là khâu rất cần thiết.


Giảm chất lượng hạt do để trong bao hoặc đổ đống lâu


Việc không phơi sấy, sàng sẩy được vì thu hoạch xong gặp mưa, bão, điều này thường xảy ra khi thu hoạch lúa. Mùa khô, buổi sáng độ ẩm của hạt trên bông vào khoảng 20-24%, nhưng vào mùa mưa hạt lúa sau khi đập thường có độ ẩm rất cao, có khi lên đến 28-30%. Ở điều kiện này, nếu để hạt lâu trong đống hoặc bao (quá 24 giờ) hạt dễ bị nảy mầm, lên men, nấm mốc... Vì vậy cần tranh thủ những ngày nắng ráo để tiến hành thu hoạch, tránh thu hoạch lai rai. Trong điều kiện gặp mưa, bà con cần rải đều hạt trong nhà, bật quạt và liên tục đảo xới để giảm độ ẩm trong hạt.