Thu hoạch mía ở Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ảnh: Kiến Giang .
Tranh giành, thổi giá
Giá mía nguyên liệu tại ĐBSCL ngày một tăng cao dù đã vào vụ thu hoạch rộ. Mía được thương lái thu mua tại ruộng ở mức từ 1.200 đến 1.250 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tuần trước. Ông Trần Văn Minh ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) cho biết: Tháng trước hộ ông thu hoạch 5 công (1.000m2) mía, bán với giá 880 đồng/kg. Giá đó đã có lời trên 6 triệu đồng/công. Nếu để đến bây giờ thu hoạch thì lời to. “Thấy giá cao nên bán kiếm lời. Không ngờ giá mía ngày càng tăng như vậy. Thương lái đổ xô tranh mua đến tận vườn cả tháng qua”- Ông Minh nói.
Những ngày qua, tại các kênh Đất Sét, Sậy Niếu, Phụng Hiệp… của vùng mía nguyên liệu Hậu Giang, ghe xuồng của thương lái tấp nập chen lấn, tranh mua mía. Thậm chí có nơi mía nông dân chưa thu hoạch, thương lái đã tìm đến tận vườn đặt cọc, mua với giá 1.300 đồng/kg.
Ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho biết: Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có vùng mía do công ty hợp tác với nông dân bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, các công ty ngoài tỉnh cho thương lái ồ ạt đến thu mua, đẩy giá lên cao khiến nông dân xé rào, không tuân thủ hợp đồng.
Ước tính mỗi ngày, nông dân vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp thu hoạch khoảng 12.000 tấn mía cây nhưng công ty chỉ mua được khoảng 4.500 tấn, quá nửa sản lượng bị các thương lái ngoài tỉnh hớt tay trên, riêng thương lái của nhà máy đường NIVL Ấn Độ (đặt tại Long An) thu mua khoảng 2.500 tấn. “Mỗi năm nhà máy mất 5-7 tỷ đồng đầu tư vùng mía nguyên liệu nhưng đến vụ lại đông đặc thương lái từ các tỉnh đến giành mua thổi giá lên cao ngất ngưởng, chúng tôi thiệt đơn thiệt kép”- Ông Sơn nói.
Khó quản
Theo ước tính của Hiệp hội mía đường Việt Nam, vụ mía 2010-2011 diện tích mía toàn vùng ĐBSCL khoảng 48.000 ha, sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. Trong khi nhu cầu nguyên liệu của 10 nhà máy đường khu vực ĐBSCL cần đến 3,6 triệu tấn, thiếu 400.000 tấn. Việc này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt ngay tại vùng mía nguyên liệu.
"Việc cạnh tranh không lành mạnh làm doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại và làm xấu đi tập quán sản xuất mía của nông dân. Sắp tới hiệp hội sẽ có những biện pháp bảo vệ quyền lợi các thành viên để giữ vững vùng nguyên liệu." - Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam |
Có 9 nhà máy đường thuộc hiệp hội thu mua đúng theo nguyên tắc “chia sẻ” vùng nguyên liệu ở mức giá sàn mía 9 chữ đường (CCS) là 1.100 đồng/kg. Trong khi đó, nhà máy NIVL Ấn Độ không đầu tư vùng mía nguyên liệu lại mua mía xô, mía non, mía có tạp chất không cần đo chữ đường với giá từ 1.150 đồng đến 1.200 đồng/kg. Có những vùng thương lái đến mua với giá rất cao rồi bỏ đi để tạo nên giá ảo nhằm loại bớt thương lái của nhà máy khác vào mua.
Ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: “Do ĐBSCL có nhiều kênh rạch nên những ngày qua cả trăm thương lái đi quần mua mía khắp nơi mà không ai quản lý được. Nhiều thương lái nói mua mía cho nhà máy này nhưng đầy ghe thì chở cho nhà máy khác”.
Cũng theo ông Sơn, mỗi ngày tại vùng mía huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có khoảng 2.500 tấn mía nguyên liệu chở về Long An cho Công ty đường NIVL Ấn Độ mà không tốn bất cứ chi phí nào để đầu tư vào vùng nguyên liệu. Dù biết như thế nhưng cũng không thể làm gì được, vì đại diện nhà máy cho rằng thương lái đem mía đến nhà máy bán thì nhà máy mua, chứ không có chuyện “xúi” thương lái về vùng nguyên liệu của nhà máy khác mua gom mía.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: “Chuyện tranh mua mía nguyên liệu gay gắt thường xuyên diễn ra tại vùng mía Hậu Giang nhưng vẫn chưa có cách nào giải quyết triệt để. Nhà máy này đầu tư vùng mía nguyên liệu đến vụ lại bị nhà máy khác hớt tay trên. Cần bắt các nhà máy đường ngoài tỉnh phải đăng ký đầu tư vùng nguyên liệu để tránh tình trạng chụp giật như hiện nay”-Ông Đồng nói.