00:00 Số lượt truy cập: 2667476

Giao phối cận huyết ở gia súc 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Xin quý báo cho biết rõ ảnh hưởng của giao phối cận huyết ở gia súc? (Nguyễn Đình Hân - Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).


Đáp: Trong tự nhiên cuộc sống hoang dã của động vật và thực vật, mọi cá thể có khả năng (xác suất) gặp nhau và kết hợp với nhau trong sinh sản. Điều này dẫn đến các cá thể rất gần gũi nhau: ông bà cháu chắt, cha mẹ con cháu, bà con họ hàng thân thuộc ghép đôi với nhau. Hiện tượng các cá thể thân thuộc giao phối với nhau trong sinh sản như vậy gọi là giao phối cận thân hay cận huyết.

Trong giao phối cận huyết, các cá thể bị cận huyết sẽ phải có tổ tiên chung, từ đó chúng sẽ nhận được các alen giống nhau để tạo nên các locus đồng hợp. Mỗi cá thể đồng huyết có ítnhất 1 tổ tiên chung và nếu có càng nhiều tổ tiên chung thì khả năng đồng huyết tăng lên.

Hậu quả chung của giao phối cận huyết là sự tăng số lượng các kiểu gen đồng hợp thể. Quá trình tăng tính đồng hợp sẽ dẫn tới hậu quả tai hại của giao phối cận huyết. Các locus gen mang các alen lặn sẽ tăng lên, các alen lặn thường liên quan đến tính trạng xấu: dị tật bẩm sinh, gấy chết, bán gây chết,… đây là nguyên nhân của sự xuất hiện nhiều cá thể xấu, có thể cả những giống xấu.

Tính đồng hợp tăng nhanh có thể dẫn đến trường hợp xuất hiện những nhóm cá thể hay dòng đồng hợp hoàn toàn (ở những sinh vật tự phối). Trong giới động vật những trường hợp như vậy rất hiếm, trong gia súc thì hầu như không thể có.

Qua mỗi thế hệ, tỷ lệ các cá thể dị hợp giảm đi 50% và cá cá thể cái tăng lên bằng mức giảm của dị hợp. Trên đà như vậy, các sinh vật tự phối đến một thế hệ nào đó tỷ lệ các cá thể dị hợp sẽ tiến tới bằng không và các cá thể đồng hợp sẽ tiến tới 100%.

Nếu cho giao phối giữa các anh chị em ruột với nhau thì sau 10 thế hệ sẽ cho ra một quần thể có 91.3% tổng các locus ở trạng thái đồng hợp thể. Ở gia súc nếu giao phối giữa các anh chị em với nhau thì cần tới 18 thế hệ mới có thể đạt được như mức trên của thực vật. S. Wright cho rằng: giao phối giữa anh chị em cùng bố khác mẹ với nhau thì sau 10 thế hệ tỷ lệ các cá thể dị hợp còn lại là 15%, trong khi giao phối giữa chị em ruột với nhau thì tỷ lệ này còn khoảng 5%. Ở cây tự phối, chỉ cần 6 thế hệ đã có gần 100% các cá thể ở dạng đồng hợp thể. Mức độ tăng tính đồng hợp, giảm tính dị hợp phụ thuộc vào việc ghép đôi trong sinh sản.