Những năm gần đây, phong trào nuôi con đặc sản ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng đã đem đem lại hiệu quả kinh tế góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Được sự giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Xuân (thôn Tĩnh Lộc) với trang trại tổng hợp nuôi con đặc sản gồm: Nhím, Ba ba, Hươu. Qua trò chuyện được biết, ban đầu gia đình ông chỉ nuôi Ba ba để bán giống và vài con Hươu để lấy nhung. Không dừng lại ở đó, về sau qua đi tham quan ông thấy nuôi Nhím cho hiệu quả kinh tế tương đối cao mà kỹ thuật chăn nuôi cũng không quá phức tạp. Vì vậy, năm 2009, ông Xuân quyết định đầu tư mua thêm Nhím giống về nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi con vật mới này nên ông cũng gặp khó khăn về chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy khó nhưng không nản lòng, ông Xuân luôn suy nghĩ, học tập trong quá trình chăn nuôi qua chú ý quan sát, tìm hiểu thói quen ăn, nghỉ... của Nhím mà ông biết được đặc tính để từ đó có kinh nghiệm hơn về phương pháp chăm sóc cho phù hợp nhất giúp chúng lớn nhanh. Do vậy, từ khi bắt đầu nuôi đến bây giờ Nhím hầu như chưa thấy bị bệnh.
Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi Nhím ông Xuân cho biết: Nhím là động vật rất ít bị bệnh, yêu cầu về thức ăn tương đối đơn giản có thể tận dụng các sản phẩm từ nông nghiệp làm ra đều được gồm rau, củ, quả... các loại. Những thức ăn này cho Nhím ăn trực tiếp do vậy giảm được công chế biến nên giảm được chi phí thức ăn và chi phí nhân công. Ông Xuân còn khẳng định: "Nuôi Nhím nhàn hơn so với nuôi những con vật khác mà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn". Sau 3 năm nuôi, đến nay gia đình ông đã nhân đàn thành công, xây dựng được hệ thống gồm 9 chuồng nuôi với tổng số trên 20 con Nhím, trong đó có 18 con Nhím bố mẹ (10 con nhím cái sinh sản), mỗi chuồng được bố trí từ 2-3 con Nhím. Năm 2010, ngoài số Nhím để lại làm giống sinh sản gia đình ông còn xuất bán được 2 cặp Nhím giống với giá trên chục triệu đồng một cặp. Theo ước tính, mỗi năm gia đình ông thu vài chục triệu từ mô hình trang trại tổng hợp nuôi con đặc sản.
Đối với đầu ra cho con đặc sản nói chung và con Nhím nói riêng thì ông Xuân lạc quan cho biết: Vấn đề đầu ra cho con đặc sản từ trước đến nay gia đình tự tiêu thụ nhưng không gặp khó khăn gì. Riêng với con Nhím thì không có giống để tiêu thụ. Khi được hỏi nếu có nhiều hộ dân tham gia phong trào nuôi Nhím thì ông có lo lắng gì không? Ông xuân cho rằng để phong trào nuôi con đặc sản trong xã phát triển thì việc có nhiều hộ tham gia nuôi là rất tốt vì từ đó có thể thành lập hội chăn nuôi con đặc sản để mọi người giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm của nhau. Thông qua đó tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
|