Đến thăm vườn đu đủ của anh Hiền và được nhìn tận mắt những hàng đu đủ thấp lùn, tàu tím, lá xanh mướt, trái đơm kín thân cây từ gốc đến ngọn, tôi ngạc nhiên hỏi: “Trái sai thế này làm sao cây chịu nổi?”. Anh Hiền vui vẻ nói: “Không sao cả, nhờ chăm sóc thường xuyên và đấp góc cẩn thận nên khi lớn, bộ rễ bám đất rất vững”. Anh cho biết cây đu đủ dễ trồng nhưng muốn cho cây phát triển nhanh, khỏe mạnh, năng suất cao và chất lượng bảo đảm, người trồng trước tiên phải nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống cho đến lúc cây ra trái. Đu đủ của anh trồng thuộc giống F1 Đài Loan, trái dài, võ xanh mướt, ruột chín đỏ tím, vỏ dày dễ di chuyễn, là loại đu đủ dùng xuất khẩu rất tốt. Theo kinh nghiệm của anh, trước khi trồng hột đu đủ phải ngâm hạt nước nóng (1 sôi 3 lạnh) trong 24 giờ, sau đó vớt hột đu đủ cho vào bầu ươm. Ngày che mát, đêm giở ra, thường xuyên tưới nước cho cây con từ 1 đến 1,5 tháng rồi mới đem trồng…
Anh Hiền đang tưới vườn cây đu đủ
Bí quyết làm cho cây đu đủ tăng trưởng tốt và sạch bệnh là khâu làm đất. Anh Hiền đào những đường mươn trong ruộng rộng 1 mét (dùng chứa nước tưới sau này). Đất đào đấp thành những mô cao từ 0,4 – 0,5 m, đường kính mô rộng 0,8 đến 1m, mỗi mô cách nhau 2,5m. Bón vôi, phân lân DAP, phân chuồng và tro trấu. Trên mỗi mô sau khi đặt cây xong phải tủ rơm rạ hoặc cỏ khô. Mô trồng phải tăng dần kích cỡ khi cây lớn. Trong suốt quá trình cây phát triển, anh luôn theo dõi việc bón phân, tưới nước và phát hiện những trường hợp bị bệnh vàng lá gân xanh để kịp thời xử lý. Đây là một bệnh rất khó trị đối với cây đu đủ, đa số nhà vườn đều chặt bỏ để tránh lây lan. Nhưng riêng anh Hiền nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi và thử nghiệm bằng nhiều loại thuốc khác nhau, cuối cùng anh đã kiểm soát được loại bệnh này.
Xuất thân từ một gia đình nông dân, trình độ học vấn không cao, nhưng anh Hiền luôn “dám nghĩ dám làm” , biết vận dụng kiến thức khoa học vào sản xuất để làm giàu.