00:00 Số lượt truy cập: 3193315

Giàu nhanh nhờ... ba ba suối 

Được đăng : 03/11/2016
Mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng vào 10ha, nơi người dân ở Tân Kết, Đức Thắng (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) quen gọi là "chiêm khê mùa thối", ít ai dám nghĩ ông Nguyễn Văn Thu có thể thành công từ cánh đồng bị bỏ hoang

Nhưng, chỉ sau gần một năm, ông Thu đã làm nhiều người kinh ngạc từ giống ba ba suối mang từ Thái Lan về.

Giám đốc chân đất...

Dù sắp tới tuổi lục tuần nhưng ông Nguyễn Văn Thu (ở thôn Tân Kết) được mọi người biết đến không chỉ có đầu óc kinh doanh mà còn sẵn sàng xắn quần nhảy xuống ao giữa tiết trời rét căm căm để “bắt mạch, khám bệnh” cho ba ba mỗi ngày.

Thời trẻ, ông Thu công tác ở Bộ Xây dựng, năm 1982 ông trở về quê làm cán bộ văn phòng cho UBND huyện Hiệp Hoà, sau mười năm lại tách ra mở doanh nghiệp tư nhân chuyên đấu thầu xây dựng. Trong một lần cùng gia đình đi du lịch tại Thái Lan, ông được xem các mô hình nuôi ba ba và lần đầu tiên ông được chiêm ngưỡng những chú ba ba suối béo tròn đang nhoài người lên tranh nhau ăn. “Tôi thực sự bất ngờ khi được xem công nghệ nuôi ba ba của người Thái, hiện đại thật! Nhìn họ nuôi ba ba mà giống như nhiều người nuôi ngan, nuôi vịt ở quê mình.” Được xem trực tiếp giống ba ba suối bụng tím của Thái Lan, nghe giải thích về những ưu điểm như: Phàm ăn, nhanh lớn, trọng lượng tối đa có thể lên tới 25, 30 kg/con, lại ít mắc bệnh dịch, thịt thơm ngon... ông Thu nghĩ ngay ra ý tưởng thử nhập giống ba ba suối của Thái Lan về nuôi. Cái máu làm kinh tế của người đàn ông ở tuổi về hưu lại hừng hực lên, tự mình lập dự án và liều mình vay vốn thực hiện ý tưởng.

Ông Nguyễn Văn Thu
Ông Nguyễn Văn Thu
Từ cánh đồng bao đời nay chỉ cấy được một vụ lúa lại không ăn chắc vì thường xuyên ngập úng, ông Thu xin UBND xã chuyển đổi thành ao nuôi baba, được lãnh đạo địa phương nhiệt tình ủng hộ. Khởi công vào đầu đầu tháng 5/2007, đúng lúc mưa ngâu, nước ngập trắng bốn xung quanh, khiến nhiều người hoài nghi về dự án của ông Thu. Nhưng mặc cho những “lời o­ng tiếng ve”, ông Thu vẫn quyết tâm thành lập dự án trên diện tích 10ha và vay vốn ngân hàng hơn 5 tỉ đồng để thực hiện. Ngay từ khi chuẩn bị đầu tư ông Thu đã đặt ra một mục tiêu: sẽ hoàn vốn sau 2 - 3 năm.

Bắt ba ba đẻ trứng vàng

Đến thăm mô hình HTX nuôi trồng thuỷ sản của ông Thu vào những ngày này, nhiều người đã phải thay đổi cách suy nghĩ. Nhiều người dân ở thôn Tân Kết rỉ tai nhau: “Cách làm của ông Thu thật táo bạo, chỉ trong vòng chưa đầy một năm đã trở thành tỉ phú rồi!”. Từ khi cái cơ ngơi khang trang của ông Thu mọc lên trên cánh đồng “chiêm khê mùa thối”, người ta cũng quen dần với hình ảnh ông “giám đốc chân đất” đi sang Thái Lan như đi chợ.

“Cũng vất vả lắm. Lúc đầu do không có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc khiến ba ba chết hàng loạt. Mới bước vào nghề, vốn lại ít, nên nhiều khi tưởng như sạt nghiệp và có ý định từ bỏ rồi đấy.” - Ông Thu kể lại.

Trên diện tích 10ha, ông cho xây 9 ao lớn, 5 ao nhỏ kè đá, trong đó có 6 ao dành nuôi ba ba thịt, 3 ao nuôi cá chuối và ao nhỏ dùng để ấp, thả ba ba giống. Ông Thu tuyệt đối tuân thủ quy trình chăm sóc theo công nghệ hiện đại của Thái Lan là cho ăn nổi, không cho ăn các loại động vật chết, chỉ dùng cá mè tươi sống nghiền nhỏ trộn với cám thả trên bè nổi. Nhờ vậy, những chú ba ba suối của ông Thu không chỉ mau lớn mà còn tránh được dịch bệnh.

Không chỉ biết chăm sóc ba ba, mà ông Thu còn giải quyết tốt được vấn đề thị trường như nguyên liệu, giống, đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, tôi luôn ở trong tình trạng không đủ cả ba ba giống và ba ba thịt để cung cấp cho thị trường - Ông Thu tự tin khẳng định. Ba ba thịt luôn ở mức giá ổn định từ 300 - 350 nghìn đồng/kg tuỳ thuộc vào loại to, nhỏ khác nhau.” Tết vừa qua ông Thu có hơn 4 tấn ba ba thịt cung cấp cho thị trường, trừ chi phí ông được gần hai tỉ đồng. Hợp tác xã của ông Thu làm ăn phát đạt, giải quyết việc làm ổn định cho gần 10 công nhân với mức lương từ 1 - 1,5 triệu đồng và nhiều công nhân theo mùa vụ với thu nhập từ 50 - 60 nghìn/ngày công. Từ thành công của ông Thu, trên cánh đồng xã Đức Thắng đang ngày càng mọc lên nhiều hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản khác./.