00:00 Số lượt truy cập: 2669824

Gìn giữ giống cam tiến vua 

Được đăng : 03/11/2016
Bộ quần áo bảo hộ lao động bạc phếch, đầu tóc bù xù, vừa ở vườn cam về, tay chưa kịp rửa nhưng anh có thể ngồi ngay vào bàn máy tính, “nhoay nhoáy” con chuột để “lôi” ra quy trình xử lý bệnh cho cây cam...



Ngồi nói chuyện với chúng tôi nhưng mắt anh Nguyễn Văn Thiết vẫn dính vào màn hình máy tính. Anh thanh minh: “Thông cảm nhé, lứa cam mới chuẩn bị đậu quả nên phải tranh thủ hướng dẫn kỹ thuật xới đất, bón phân cho công nhân. Sai sót một khâu là “đi tong bạc tỷ”. Có lẽ vì ham việc nên người dân ở đất Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) gắn cho anh đủ thứ tên: Thiết cam Canh, Thiết “vua lợn”...


Khởi nghiệp bằng 5 cây cam


Chẳng phải bây giờ anh mới nổi tiếng là người thành đạt mà trước đó, cả tỉnh Hưng Yên biết đến như một anh hùng. Chính anh là người đã đưa cây cam Canh về trồng trên đất Hưng Yên, bảo tồn được giống cam tiến vua và giúp hàng trăm hộ thành triệu phú. “Đấy là chuyện của hơn 10 năm trước” - anh Thiết cười hiền lành.


Cách đây hơn 10 năm, khu vườn rộng gần 4ha chỉ trồng chuyên cam Canh và bưởi Diễn, mỗi năm đem về cho anh gần 70 tấn quả và thu nhập hơn 1 tỷ đồng.


Anh bảo, anh là người ham cây, ham hoa từ ngày còn là cậu bé học cấp II. Tuy nhiên ngày ấy, vùng quê Khoái Châu chỉ có đất, lúa và khoai. Hết giờ đến lớp, rảnh lúc nào, cậu bé Thiết và bọn trẻ trong làng phải mò mẫm ra đồng bắt thêm con tôm, con cá cải thiện bữa ăn. Những ngày giáp hạt, nhìn nồi cơm chỉ toàn sắn với khoai, mà nào có phải khoai sắn có sẵn trong vườn nhà. Người chỉ bé như cái kẹo nhưng Thiết đã phải oằn lưng chở những bao sắn khô nặng hàng tạ mua từ Bắc Giang về. Sau khi lập gia đình, Thiết bắt đầu tính chuyện làm ăn nhưng nhìn quanh chỉ thấy đất là có giá trị. Anh nảy ra ý định đi tìm những loại cây có thể thay thế cây lúa. Lang thang về Hà Nội, anh mua các giống táo, giống quất về trồng. Mấy năm đầu dù không thất bại nhưng thu nhập của anh cũng chẳng cải thiện được là bao. Từ đó, anh nghĩ đến việc trồng những cây đặc sản. Anh tìm đến làng bưởi Diễn, cam Canh. Được một chủ vườn cho 5 cây cam giống, anh mừng húm. Đầu óc anh chỉ chăm chăm nghĩ đến nó, liên tục bón phân, tưới nước để cây xanh tốt. Tuy nhiên cây càng um tùm thì quả chẳng thấy đâu. Ba năm liền, mỗi cây chỉ đậu vài quả. Trăn trở mãi anh mới phát hiện ra, cây cam, cây quất có đặc tính gần giống nhau, nếu không “siết” nước, cây sẽ không ra hoa, đậu quả. Sang năm thứ 4, anh áp dụng công thức này và thành công ngay. Có những cây cam cho thu hoạch gần 3 tạ quả. Quả nào cũng mọng nước, ngọt lịm như đường. Cũng vì quả ngon mà anh không dám giữ lại để ăn mà dành bán lấy tiền trang trải các khoản nợ nần. Tuy nhiên, vì không biết giá cả thị trường nên anh bị cánh lái buôn “lừa”. Mỗi quả cam họ chỉ trả anh 700 đồng. Nghe nói người Hà Nội rất thích đặc sản này, anh lóc cóc đạp xe chở 2 dành ra phố Hàng Da để bán. Sau khi ăn thử, một cụ già đã mua của anh 8 quả và trả 80.000 đồng. Tưởng bà cụ trả nhầm anh lắp bắp: “Cụ mới chỉ lấy 8 quả”. Cụ già cười: “Thì bình thường, tôi vẫn mua của người ta như thế!”. Rồi cụ giới thiệu cho anh đến những nhà người quen để bán. Trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ, 2 dành cam đã sạch bách, anh đem về nhà gần 1 triệu đồng.


Tỷ phú cam canh


Sau chuyến “công du” Hà Nội thành công ấy, anh Thiết quyết định về thuê đất, nhân rộng diện tích cam Canh. Đi qua vùng ruộng trũng Đông Tảo, thấy đất đai màu mỡ nhưng ND bỏ hoang nhiều, máu làm ăn “nổi lên”, anh dừng lại tìm hiểu nguyên nhân. Một chủ đất đang muốn bỏ hoang ruộng cho biết: chuột ở đây tung hoành dữ dội. Chỉ một đêm, chúng có thể phá tan cả một ruộng lúa mới trồng. Chẳng ai muốn trồng cấy gì trên đất ấy cả”.


Thấy giá thuê đất rẻ, anh quyết định đầu tư cải tạo, dù gia đình, bạn bè ra sức ngăn cản. Việc đầu tiên, anh thuê người làm bẫy chuột. Mỗi đêm, anh bắt không dưới 1.000 con. Liên tục cả tháng trời, chuột cũng vãn dần. Lúc đó, anh mới đặt cây cam Canh xuống đất. Công việc càng thuận lợi khi một ông tiến sĩ của Viện Di truyền T.Ư đi tìm nguồn gen cam Canh đang bị thất truyền, đến trang trại của anh. Ông tiến sĩä đã “sốc” khi thấy ruộng cam trĩu quả. “Tỷ lệ đậu quả ở vườn cam tại chính vùng cam Canh không bằng ở nhà chú. Chất lượng quả cũng kém xa”- ông nói.


Sau gần 1 ngày hỏi han, ghi chép, ông tiến sĩ xin anh một số gốc cam đưa về Viện trồng thử nghiệm. Về được nửa đường, ông ta quay lại: “Chú có giống cam quý thế này mà không biết giữ nó sẽ mai một dần. Tôi sẽ dạy chú cách ghép mắt, chiết cành, nhân giống”. Cũng từ đó, bên cạnh ruộng cam Canh thương phẩm, anh Thiết còn dành hẳn một chân ruộng để ương cam giống. Người dân Đông Tảo thấy anh làm cũng học làm theo. Diện tích đất trống, đất hoang, đất trồng lúa của xã dần biến mất, thay vào đó là những ruộng cam Canh, bưởi Diễn. Đời sống của người dân ở đây cũng khấm khá lên nhờ cam....


Cơ duyên với... lợn


Trồng cam Canh cần lượng lớn phân hữu cơ nhưng không phải lúc nào anh Thiết cũng mua được. Anh nghĩ đến việc xây dựng chuồng trại nuôi lợn lấy phân bón. Ban đầu anh chỉ có ý định nuôi vài chục con, nhưng sau, liên hệ được với một số nhà máy cám, anh đứng ra làm đại lý thức ăn luôn cho họ. Sau những khoá tập huấn chăn nuôi, anh cũng thấy ham công việc này. Chẳng hỏi ý kiến vợ, anh lẳng lặng thuê thợ xây dựng chuồng trại, làm hầm biogas, và tìm mua giống lợn. Ngay từ những lứa đầu tiên, đàn lợn của anh đã lên tới hàng trăm con. Giờ đây, mỗi tháng anh xuất chuồng hàng chục tấn lợn thương phẩm và hàng trăm lợn giống. 20 lao động anh thuê không lúc nào rỗi việc. Là đại lý cho công ty cám của Mỹ, anh cũng được ưu ái có cán bộ của công ty thường xuyên về hướng dẫn kỹ thuật. Chăn nuôi theo quy trình công nghiệp hiện đại, công ty thực phẩm của Hà Nội về tận nhà anh để thu mua, đồng thời đào tạo giúp anh công nhân. Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm anh xuất trên 200 tấn lợn thịt, thu lãi không dưới 700 triệu đồng. “Đất đai không thể mở rộng được nữa, tôi đang có ý định đi thuê đất ở một số nơi để làm trại trồng cam và nuôi lợn theo mô hình khép kín”- anh tâm sự.


Chia tay với ông chủ trại cam, trại lợn, tôi được anh nhắn gửi: “Tết chị về đây sẽ không muốn đi. Cả một rừng cam Canh đỏ ối”.