00:00 Số lượt truy cập: 3084212

Giống lúa BC15 ở Thái Bình đạt năng suất, chất lượng cao 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ xuân năm 2009 là vụ đầu tỉnh Thái Bình thực hiện bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng chuyển từ giống dài ngày sang ngắn ngày, từ giống lúa năng suất cao sang giống vừa có năng suất vừa có chất lượng cao.  

Toàn tỉnh có tỷ lệ giống lúa ngắn ngày đạt 78 nghìn ha, chiếm 93% tổng diện tích gieo cấy vụ xuân. Trong đó, Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đã cung ứng hơn 1.500 tấn giống lúa bảo đảm chất lượng cao gồm các loại như TBR-1, BC15, Bắc thơm 7, Q5, Khang dân 18, Hương thơm 1, N97 và các loại giống lúa lai. Ðặc biệt, giống lúa BC15 có năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa cao hơn giống Q5 từ 45 đến 50%, được nông dân toàn tỉnh chấp nhận gieo trồng hơn 13.500 ha.

BC15 là giống lúa thuần được kỹ sư Ðặng Tiểu Bình ở Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình chọn tạo từ giống lúa IR17494 (13-2) và Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình chọn lọc, được chính thức công nhận năm 2008. Giống lúa này đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký bảo hộ tại Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. BC15 là giống lúa cảm ôn, có thời gian sinh trưởng khoảng 138-148 ngày (vụ xuân) và 115-120 ngày (vụ mùa ở miền bắc), dài hơn giống Khang dân từ năm đến bảy ngày và ngắn hơn giống C70 từ năm đến bảy ngày. Ðây là giống lúa sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh khỏe, tái sinh mạnh, có dạng hình bông to, nhiều bông, năng suất cao trung bình từ 70 đến 75 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 80-85 tạ/ha.

Giống lúa BC15 có khả năng thích ứng rộng và ổn định trên nhiều chân đất, chống chịu chua, úng trũng và rét khá; có khả năng phục hồi mạnh sau thiên tai (rét hoặc lụt), cấy được cả hai vụ xuân và mùa (ở miền bắc) và đông - xuân - hè thu (ở miền trung). Ðồng thời có khả năng chống chịu với một số sâu bệnh như rầy, bệnh bạc lá và khô vằn, nhiễm đạo ôn trung bình. Giống BC15 có chất lượng gạo ngon, hạt trong, cơm dẻo, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vụ xuân năm 2009, thời tiết biến đổi phức tạp, hội đủ các điều kiện cho sâu bệnh gây hại, bệnh đạo ôn phát sinh trên diện rộng. Ðây là vụ xuân thứ ba liên tiếp các loại giống lúa ngắn ngày ở Thái Bình phải trải qua sự biến đổi của thời tiết với ba kiểm ấm, rét khác nhau, nhưng nông dân Thái Bình đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó kịp thời để có một vụ xuân "trúng mùa" ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

Ðến xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Chủ nhiệm HTX Trần Văn Sùng cho biết, toàn xã vụ này cấy 522 ha giống lúa ngắn ngày, trong đó giống BC15 chiếm 470 ha (90%). Từ năm 2005, An Mỹ đã đưa giống ngắn ngày BC15 vào đồng ruộng chiếm hơn 30% diện tích. Sau một vụ thấy năng suất cao và chất lượng gạo ngon, năm nào HTX cũng nâng dần diện tích gieo cấy giống BC15. Hiện nay, các cánh đồng lúa BC15 đều chuẩn bị thu hoạch, hứa hẹn một vụ bội thu nữa. Chị Phạm Thị Năng, ở thôn Tô Hồ vụ này cấy hơn một mẫu bằng giống BC15 có thể đạt năng suất bình quân từ 270 đến 280 kg/sào. Chị nói: "Giá thóc BC15 hiện nay trên thị trường là từ 500 đến 550 đồng/tạ, trong khi các giống lúa khác chỉ có giá từ 380 đến 400 nghìn đồng/tạ. Tính ra, giá trị của giống lúa BC15 cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần".

Không chỉ Thái Bình phát triển giống lúa BC15 mà các tỉnh Vĩnh Phúc và Sơn La cũng đã đưa giống mới vào sản xuất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng cho biết: Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích cấy giống lúa BC15. Bà Nguyễn Thị Luận ở HTX Yên Cát, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khẳng định: "Gia đình tôi vụ này cấy giống lúa BC15 có năng suất cao nhất HTX, có thể đạt tới 240  - 250 kg/sào. Tính ra giá trị, mỗi sào lúa BC15 cao hơn lúa Khang dân 18 là 550 nghìn đồng".

VỚI việc đưa giống lúa BC15 vào gieo cấy đã làm thay đổi tập quán dùng các loại giống lúa cũ dài ngày, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giữ vững an ninh lương thực ở các địa phương.