Những năm qua, ngành trồng trọt đã ứng dụng thành công nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất (SX), góp phần nâng cao giá trị SX nông nghiệp (NN). Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chương trình giống của Chính phủ cho thấy giống tốt cho SX đại trà còn rất thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu, SX giống cũng như quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Nông dân chưa thực sự được hưởng lợi từ các thành tựu về giống mới. Lượng hạt giống bảo đảm chất lượng phục vụ trồng trọt của cả nước mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu.
Trong thời gian qua, nhiều giống lúa có ưu thế đã được đưa vào SX trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả SX và tạo ra sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Đến nay đã có trên 90% diện tích lúa được dùng giống mới. Nhờ vậy, bình quân năng suất lúa cả năm 2008 tăng 7,5 tạ/ha so với năm 2000. Tuy nhiên, với áp lực gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, diện tích đất lúa bị thu hẹp, đòi hỏi nước ta phải có những chiến lược mới trong SX lúa, gạo. Và giống lúa chất lượng cao là một giải pháp cho lộ trình này.
Đòi hỏi bức thiết
Theo tính toán của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, mặc dù quỹ đất NN vẫn còn đủ SX và xuất khẩu lúa gạo, song với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số như hiện nay thì vào năm 2020 nguy cơ không có lúa gạo để xuất khẩu rất lớn. Hiện nay, tổng diện tích đất lúa toàn quốc là 4,1 triệu héc-ta. Để giải quyết vấn đề xuất khẩu gạo, an ninh lương thực, chất lượng sống của người nông dân… đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có được một bộ giống mới, thay thế bộ giống đang thoái hóa hiện nay.
GS - TS Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam Bùi Chí Bửu cho rằng: Một số chương trình lai tạo giống thiếu các bước nghiên cứu cơ bản, thiếu định hướng và chưa tiếp cận với trình độ của thế giới. Mục tiêu mà nông nghiệp của nước ta cần hướng đến là một nền nông nghiệp chất lượng cao với các loại nông sản thỏa mãn yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, có sức cạnh tranh tốt. Được biết, nhu cầu hạt giống phục vụ trồng trọt của nước ta hằng năm cần khoảng 1 triệu tấn nhưng các doanh nghiệp mới SX được 170.000 tấn và điều đáng nói là, trong số này mới chỉ có 50% được sấy, chế biến bằng phương tiện cơ giới. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra cho ngành nông nghiệp là phải tìm ra được nguồn giống có chất lượng, vừa đáp ứng được yêu cầu trong nước vừa có khả năng hội nhập với thế giới.
Việt Nam là một đất nước có truyền thống trồng lúa nhưng sản phẩm chủ lực này luôn đứng sau quốc gia láng giềng Thái Lan. Người đứng đầu Hội Giống cây trồng vật nuôi Việt Nam, GS - Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng, đất nước đã tốn cả hàng trăm tỷ đồng cho nghiên cứu, tạo giống lúa, nhưng cho đến nay vẫn không có giống quốc gia, vẫn thua nhiều nước về gạo xuất khẩu, từ số lượng cho đến chất lượng, giá cả. Nguyên nhân là do việc nghiên cứu, lai tạo giống lúa có chất lượng cạnh tranh luôn bị phân tán, rơi vãi.
Nghiên cứu nhỏ lẻ, manh mún
Theo nhiều chuyên gia đầu ngành nông nghiệp Việt Nam, giá gạo Việt Nam hiện nay ở mức thấp so với mặt bằng giá của thế giới, trước đây chỉ thấp hơn giá gạo của Thái Lan ở mức 30 - 40 USD/tấn thì nay đã tụt xuống mức xấp xỉ 100 USD/tấn. Có nhiều nguyên nhân khiến giá gạo của Việt Nam thua giá gạo của Thái Lan, trong đó có vấn đề chất lượng gạo. Đứng ở góc độ khoa học, TS Nguyễn Thị Trâm, Viện Sinh học nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) cho rằng, ở Thái Lan, bên cạnh hướng nghiên cứu sâu về hai giống lúa chủ lực là Khao dawk mali và Jasmin, họ còn có chương trình của Hoàng gia xây dựng những khu vực bảo quản lúa gạo, lúa thơm bảo quản được hằng năm. Còn Việt Nam chưa đặt kế hoạch dài hạn về hướng nghiên cứu một số giống chất lượng cao. "Vì vậy, về lâu dài, gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị thua thiệt và khoảng cách về giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng lớn".
TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, mặc dù có sự đầu tư lớn của Nhà nước, nhưng nhiều năm nay, Việt Nam vẫn phải nhập giống mới của nước ngoài. Cụ thể, những năm 1980, 1990 chủ yếu sử dụng giống của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế như: CR 203, NN8. Còn theo GS - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, dù giai đoạn 2006 - 2010, Bộ NN&PTNT giao cho các nhà khoa học nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thuần có chất lượng tốt để thay thế các giống Khang dân, Q5, nhưng đã gần hết giai đoạn, vẫn chưa có giống nào thay thế. Trong giai đoạn này, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo giống lúa với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng. Năm 2008, có 19 giống lúa được công nhận giống quốc gia, 34 giống lúa được sản xuất thử. Nhưng trong số các giống được công nhận, chưa có giống mới nào mang ưu điểm vượt trội về chất lượng được trồng đại trà, phục vụ xuất khẩu.
Là người nhiều lần tham gia xét duyệt đề tài nghiên cứu về chọn tạo giống lúa, TS Nguyễn Thị Trâm cho biết các đề tài nghiên cứu về giống lúa thường được thực hiện theo cách nhà khoa học ở trường, viện nào thì đề xuất hướng nghiên cứu lên nơi ấy. Sau đó, Bộ NN&PTNT tập hợp, sắp xếp lại theo danh mục. Danh mục này được hội đồng khoa học xem xét. Ngay cả những nhà khoa học được mời đến tham gia hội đồng xét duyệt đề tài cũng chỉ được tham gia đóng góp ý kiến về danh mục đề tài đơn lẻ, xem làm cái nào, bỏ cái nào. TS Lê Hưng Quốc cho rằng, việc chưa có đề tài lớn mang tầm quốc gia, tập hợp đông đảo các nhà khoa học, kết hợp chuyên gia về giống với chuyên gia về gien khiến đề tài bị xé lẻ. Có những đề tài "tự nghĩ, tự làm, tự đánh giá", không xuất phát từ thực tiễn sản xuất, chưa gắn với doanh nghiệp khiến sản phẩm đầu ra không ra được đồng ruộng.