Giống lúa lai Trung Quốc lại một lần nữa trở thành chủ đề nóng bỏng trước một vụ sản xuất mới của miền Bắc. Hầu hết các DN KD giống mà chúng tôi tiếp xúc đều lắc đầu ngán ngẩm rằng chưa bao giờ nhập khẩu giống lại khó khăn như vậy…
90.000 đ/kg giống lúa!
Bình thường, đến thời điểm này người của các công ty KD giống lúa lai bên Trung Quốc đã kéo nhau sang Việt Nam chào bán hàng, năm nay thì không. Lý do, một người bạn Trung Quốc nói phía họ mất mùa, giống nội địa còn thiếu nói gì chuyện xuất khẩu sang Việt Nam.
Hình như năm nào phía Trung Quốc cũng nói vậy, phải chăng đây lại là “đòn” cũ? Tôi hỏi bà Nguyễn Thị Hiền – GĐ Cty CP Đầu tư Thương mại Đại Dương, DN độc quyền kinh doanh giống lúa lai khá nổi tiếng Thục Hưng 6. Bà Hiền nói, chuyện mất mùa là có vì thời điểm thu hoạch hạt lai F1 năm nay ở Tứ Xuyên bị lũ lụt gây thiệt hại nặng. Tuy nhiên, mỗi công ty của Trung Quốc họ sản xuất hàng ngàn, thậm chí cả vạn tấn giống lúa lai nên dù mất mùa đáng kể thì vẫn không thiếu giống bán sang Việt Nam. Cái khó nhất của việc nhập khẩu hiện nay là tỷ giá đồng nhân dân tệ tăng vùn vụt, nhiều DN không dám nhập khẩu khi tính ra tiền Việt giống quá đắt.
Tin từ cửa khẩu Móng Cái cho biết, đồng tệ quy đổi sáng 29/11 là 3.205 đ/tệ, đến chiều đã là 3.210 đ/tệ, cao hơn chỉ cách đây 1 tuần tới 60 đ/tệ. Giá nhân dân tệ tăng từng ngày, các DN Việt Nam đang ém ở cửa khẩu chờ nhập giống chỉ còn nước nhìn nhau thở dài. Đồng tệ lên giá nhưng vẫn chưa thể… tệ bằng giống lúa lai đang bị đẩy mức quá đắt. Giống thông thường Nhị ưu 838 sáng 29/11 DN TQ hét giá 18,5 tệ/kg; riêng các giống độc quyền đều trên 20 tệ/kg, phổ biến 23 tệ/kg, có giống tới 25 tệ/kg, nhập về bán đến tay nông dân giá có thể lên tới 90.000 đ/kg thóc giống! Quá khủng khiếp, giám đốc một DN thốt lên. Vị giám đốc này nói giá cao thế nhưng DN Việt Nam đâu được lợi, chỉ có nông dân mình là khốn khổ thôi. Không những đắt, phía TQ còn bắt tiền ngay, không bán chịu như các năm trước. “Cứ kiểu này, nhập hàng về lỡ không bán được, phá sản như chơi”, một nhà nhập khẩu giống than vãn.
Sự lệ thuộc – bài học trả giá đắt
Việc khan hiếm giống lúa lai, ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, nơi có diện tích lúa lai lớn nhất. Tiếp đến là vùng miền núi phía Bắc và ĐBSH. Phó GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa, ông Nguyễn Thanh Sang cho biết: Vụ xuân 2010 kế hoạch tỉnh gieo cấy 118.000 ha lúa, trong đó có 72.000 ha lúa lai. Như vậy lượng giống lúa lai cần tới xấp xỉ 3.000 tấn. Mà nguồn giống lúa lai trước đến nay cơ bản lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc. “Tình hình căng thẳng về giống thế này buộc chúng tôi phải nhìn nhận lại về cơ cấu giống, chứ lệ thuộc mãi nguồn của Trung Quốc thế này thì gay quá”, ông Sang nói.
Ông cho biết Sở vừa họp với các DN nhập khẩu giống, họ cho biết các giống Trung Quốc đều tăng giá ít nhất 30%, có giống 50%. Mức tăng giá này được ông Sang mô tả bằng một từ láy: quá quắt! Họ không bao giờ nghĩ một chút đến lợi ích người nông dân, cứ có cơ hội là vồ bằng cách tăng giá được bao nhiêu là tăng! Các hãng lớn không bao giờ như vậy. Minh chứng được ông Sang đưa ra là vụ sản xuất này, đối với các công ty đa quốc gia như Bayer, Syngenta, Bioseed…, dù giống của họ rất tốt, thậm chí tốt hơn giống Trung Quốc, chất lượng gạo ngon nhưng họ không lợi dụng thiếu giống mà nâng giá bằng việc cam kết với địa phương giữ nguyên giá giống như vụ trước, hoặc có tăng cũng không đáng kể, chỉ 2-3%. “Ngành nông nghiệp chúng tôi đã cân nhắc và đã khuyến cáo các huyện là giống Trung Quốc nếu quá đắt thì không nhập, chuyển sang dùng lúa thuần và giống lai của các tập đoàn nước ngoài”.
Nghệ An, tỉnh cơ cấu đến 65.000 ha lúa lai vụ đông xuân này với lượng giống cần đến trên 2.000 tấn. GĐ Sở NN-PTNT Nghệ An Nguyễn Thọ Cảnh cho biết Cty giống cây trồng của tỉnh đã ký được hợp đồng mua của Trung Quốc 1.000 tấn giống lúa lai; một số công ty khác có thị phần trong tỉnh cũng đã ký được khoảng 500 tấn. Tuy nhiên, Sở xác định tình hình giống cho vụ sản xuất này là căng thẳng, riêng giống lúa lai hầu hết giá đều trên 70.000 đ/kg, tăng trên 30% so vụ đông xuân năm trước. “Dự kiến sang tuần chúng tôi sẽ tổ chức một đoàn cán bộ ra Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cũng như gặp một số công ty giống có uy tín để bàn hướng lâu dài làm lúa thuần chất lượng. Vì lệ thuộc mãi nguồn giống lúa lai Trung Quốc nên chúng ta bị ép giá quá mức”, ông Cảnh thổ lộ.
Nghệ An, Thanh Hóa bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm để khỏi lệ thuộc quá mức giống của Trung Quốc. Các tỉnh khác cũng cần thay đổi cách nghĩ như vậy. Trên hết, Cục Trồng trọt cần có những tham vấn dài hơi giúp Bộ NN-PTNT có chính sách hợp lý thúc đẩy sản xuất giống lúa lai trong nước phát triển khỏi bị lệ thuộc.