Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình giống cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, Vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ NN- PTNT) Bùi Tất Tiếp đã cho biết tổng mức đầu tư các dự án theo QĐ 17 là 621 tỉ đồng, trong đó giống cây trồng 259,5 tỉ, vật nuôi 280,8 tỉ, lâm nghiệp 80,9 tỉ; các dự án theo QĐ 112 thuỷ sản là 361 tỉ đồng…
Ông Tiếp chỉ ra một loạt tồn tại của chương trình giống như: Việc mua bản quyền tác giả, nhập công nghệ, NK giống dù có cơ chế nhưng khó triển khai; Việc thu hồi 100% giá trị giống SX ra từ dự án khiến các đơn vị tham gia không được hưởng lợi gì nên chưa khuyến khích họ; Các dự án giống thuộc địa phương, sự đầu tư chưa tương xứng, không đủ lực để tiếp sức các dự án TW hơn thế với cơ chế ngân sách hiện nay, nhiều địa phương chưa chi đúng nguồn cho các đơn vị triển khai dự án…
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc bên cạnh ghi nhận những cái được của chương trình giống 2 năm qua như số lượng, chủng loại nhiều, có đột phá trong mua bán bản quyền, năng lực quản lý… còn chỉ ra hàng loạt yếu kém mà chương trình còn “nợ” nhân dân như giống mía, cây công nghiệp, cây ăn quả; giống kém chất lượng vẫn còn; giữa nghiên cứu và chuyển giao còn kém.
Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi những kinh nghiệm, cũng như những bức xúc vấp phải trong quá trình thực hiện chương trình giống từ phía cơ sở.
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm kể, đã phải kêu gọi mọi nguồn đầu tư cho giống lúa lai TH3-3 tới trên 3 tỉ đồng nhưng không phụ công khi bán được bản quyền tới 10 tỉ.
“Chúng ta chủ yếu làm đề tài báo cáo là xong mà chẳng quan tâm đến chuyện chuyển giao thế nào. Chuyển giao mới quan trọng vì nếu không sẽ rất lãng phí tiền của Nhà nước”.
Ông Dương Thành Tài - Cty CP Giống cây trồng Miền Nam bức xúc vì chuyện nhiều Viện, Trường, cơ sở nghiên cứu của nhà nước, dùng tiền nhà nước làm dự án nhưng khi có thành quả thì lại… bo bo giữ làm của riêng: “Các thành quả của các đề tài hưởng ngân sách nhà nước là tài sản của quốc gia, các Cty giống phải được bình đẳng tiếp cận: các giống mới nên chuyển nhượng theo hình thức tính bản quyền trên doanh thu thay vì bán trọn gói; được sử dụng các dòng bố mẹ, tự thụ, bất dục của các Viện ,Trường trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ…".
Ông Hoàng Kim Giao- Cục trưởng Cục Chăn nuôi kể một chuyện khiến cả hội trường cười bò: “Tôi chỉ lấy ví dụ chuyện bố trí gói thầu cho dự án tinh mới đây đã chia làm 3 gói- một cho nitơ, một cho tinh, một lại mua nitơ bảo tồn tinh. Ai chẳng biết nếu không có nitơ tinh sẽ bị hỏng ngay thế mà bảo nhập thành một gói thầu họ cứ nhất định không chịu”.
Ông Giao còn vạch ra nguyên nhân khiến các địa phương hờ hững với dự án giống vật nuôi vì vốn ít hay những thủ tục phức tạp tương tự như vậy.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, không nên chỉ kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào yếu tố giống mà làm sao đầu tư thực sự hiệu quả trong khuôn khổ nguồn lực sẵn có.