Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đã và đang thôi thúc những người nông dân ở các vùng quê quyết tâm làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Ông Trần Văn Hài - hội viên chi hội 18 Hội Nông dân xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là một trong những nông dân như thế.
Ông Trần Văn Hài (mặc áo phông trắng đứng giữa) đang giới thiệu mô hình sản xuất sợi PE cho đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh về thăm.
Vươn lên từ hai bàn tay trắng, điều kiện hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, từ nhỏ ông đã phải kết hợp lao động cùng với việc học tập để giúp đỡ bố mẹ. Học hết phổ thong, ông về địa phương tham gia lao động, công tác đồng thời kết hợp học nghề. Từ sự vất vả, khó khăn ngay trong chính gia đình của mình, trước sự nghèo đói, lam lũ của xóm làng quê hương như một lời nhắc nhở nông dân Trần Văn Hài phải làm gì để thoát nghèo cho quê hương mình.
Với lòng say mê công việc, ông không ngừng học hỏi, tìm tòi, tham khảo nhiều cơ sở sản xuất các mặt hàng ở nhiều địa phương và thị trường tiêu thụ. Từ đó định hướng cho mình một hướng đi kinh doanh sẽ sản xuất mặt hàng gì, đầu ra sản phẩm như thế nào? Ông được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện cùng đoàn đi thăm quan nhiều mô hình làng nghề trong và ngoài tỉnh. Được tiếp cận với cơ sở sản xuất sợi PE tại thành phố Hải Dương, chuyến thăm quan cùng với những gì mắt thấy tai nghe đã thôi thúc ông phát triển nghề này về địa phương, không phải là một ngành nghề mới lạ hay xa lạ gì, nhưng quan trọng phải đưa nghề này trở thành một nghề bền vững có thể cải thiện cuộc sống cho bà con quê hương.
Cùng sự giúp đỡ của Đảng, chính quyền và các cấp Hội, đến đầu năm 1992, ông cùng gia đình mạnh dạn huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sợi PE gồm 2 giàn máy. Bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt, gia đình có việc làm với thu nhập bình quân từ 200-250 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 15 lao động có thu nhập ổn định. Trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng cho phát triển, đến năm 2000 ông đã đầu tư thêm 3 giàn máy, hợp đồng với hàng trăm hộ gia đình trong thôn xóm nhận sợi về quay dây làm ra thành phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Với sự đòi hỏi khắt khe của thị trường tiêu thụ, những thách thức, khó khăn về vốn, về thông tin kỹ thuật công nghệ, trang thiết bị, về trình độ chuyên môn của cán bộ, tay nghề của người lao động, đòi hỏi khắt khe của khách hàng. Nhận thức được những khó khăn thách thức trên, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm 3 giàn máy nâng tổng số lên 8 giàn máy, đồng thời nâng cấp, sửa chữa cơ sở nhà xưởng, cải tiến kỹ thuật, thay thế linh kiện phụ tùng máy móc, để tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu các khâu sản xuất mà sản phẩm có chất lượng tốt hơn, mẫu mã phong phú hơn.
Hướng đi mới năng động, sáng tạo, đa dạng hoá về chủng loại mẫu mã cùng với việc chú trọng cải tiến phương tiện nhà xưởng, hiện đại hoá máy móc, ưu tiên số 1 thúc đẩy tối đa cho quá trình phát triển mũi nhọn. Đến nay, xưởng sản xuất đã mở rộng diện tích với 3000m2 nhà xưởng , 10 giàn máy , hệ thống kho, 3 nhà xe, văn phòng làm việc, tạo việc làm ổn định cho 20 - 30 lao động tại xưởng với thu nhập bình quân từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/tháng, tạo việc làm cho 150 -200 lao động tại hộ gia đình “quay dây làm ra thành phẩm” với thu nhập bình quân từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng/tháng. Mặc dù trước tình hình kinh tế khó khăn và nhiều thách thức với nhiều doanh nghiệp, song với phương châm duy trì, ổn định các mặt hàng, vì thế doanh nghiệp vẫn hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra với tổng doanh thu của xưởng sản xuất năm 2013 đạt trên 9 tỷ đồng.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, kích thích sản xuất, ông đã xây dựng phương pháp thanh toán tiền công cho người lao động với cơ chế: hưởng lương theo sản phẩm, năng lực và hiệu qủa công việc đồng thời trích thưởng hàng tháng, hàng quý để khuyến khích sản xuất, đứng ra mua bảo hiểm cho 10 lao động đứng máy tại xưởng. Là một doanh nghiệp nhiều năm liền được nhận khen thưởng của cấp huyện, tỉnh, Trung ương, để xứng đáng với uy tín đó, doanh nghiệp không ngừng đổi mới về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, đầu tư trang thiết bị có công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Không những thế doanh nghiệp còn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động,đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, bằng các hình thức xây dựng Quỹ Hỗ trợ tình nghĩa để giúp đỡ lao động lúc khó khăn, thăm hỏi động viên cán bộ, công nhân lúc ốm đau vì thế người lao động đều yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Ngoài tổ chức sản xuất kinh doanh, ông còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ, xây dựng các phong trào của địa phương như ủng hộ Quỹ Khuyến học, tấm lòng vàng tri ân các liệt sĩ, Quỹ Mái ấm tình thương, Quỹ Hỗ trợ nông dân, ủng hộ đồng bào lũ lụt… cùng chung tay, chung sức xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương.
Làm giàu cho chính mình và cho quê hương có nhiều cách song không phải dễ, ông Trần Văn Hài làm giàu theo lối nghĩ của riêng mình và đã tạo được những thành công bước đầu đem lại thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho hàng trăm lao động góp phần giải quyết việc làm. Đặc biệt tháng 10/2014, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn, tôn vinh là 01 trong 63 nông dân điển hình toàn quốc./.