00:00 Số lượt truy cập: 3193545

Gương sáng vươn lên thoát nghèo 

Được đăng : 03/11/2016

“Hi vọng những kinh nghiệm vượt khó, thoát nghèo và vươn lên làm giàu của gia đình tôi sẽ là động lực giúp những hộ nông dân khác, hiện đang ở diện nghèo sẽ vươn lên, vượt qua khó khăn, thoát nghèo và trở nên khá giả”. Đó là những tâm sự của bà Trần Thị Hòe ở xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bên lề Hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV do T.Ư Hội NDVN tổ chức vào tháng 5 vừa qua.


Từ mảnh đất miền Trung, năm 1977 vợ chồng bà cùng với cha mẹ già vào nam lập nghiệp. Khởi đầu với 2 bàn tay trắng, gia đình bà tự khai phá đất làm ruộng rẫy tại La Sơn để sản xuất và phải ở nhờ nhà bà con. Khi đập nước Long Tân hoàn thành, số đất sản xuất nông nghiệp của gia đình bà bị nhấn chìm dưới lòng hồ. Không còn đất sản xuất, không đủ cái ăn, bà phải bán dưa cải ở chợ, còn chồng đi làm mướn, tần tảo ngày đêm vất vả mà cuộc sống vẫn vô vàn thiếu thốn. Bữa cơm gia đình bà thường là củ khoai, củ mì và các loại rau kiếm từ nương rẫy. Đến năm 1990, gia đình bà tích luỹ được số vốn nhỏ. Do không có đất sản xuất, vợ chồng bà bàn nhau mở lò rèn, chồng làm thợ cả, vợ làm thợ phụ, sản xuất nông cụ: cuốc, xẻng, dao rựa… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Bà đi thu mua phế liệu và xin hàng xóm dựng tạm một chòi lá làm lò rèn.

Năm 1995, vợ chồng bà được kết nạp là hội viên nông dân sinh hoạt tại chi Hội Trung Sơn, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức. Năm 1996, được Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ cho vay số vốn hai triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, cùng với ít tiền dành dụm, gia đình bà mở rộng quy mô, mua 01 mô tơ và sắt thép để sản xuất. Vừa nỗ lực lao động, vừa tích cực phát huy sáng kiến, gia đình bà tự chế được máy dập sắt 4 mã lực, tăng năng suất gấp 10 lần so với làm thủ công. Từ đó, gia đình sản xuất ngày càng ổn định, vươn lên thoát nghèo, mua được đất để ở và mở lò lớn hơn. Vợ chồng bà tiếp tục nghiên cứu, tự sáng chế thêm 2 máy dập sắt tân tiến hơn và một bệ trui sắt thép để sản xuất nông cụ với mẫu mã đa dạng, nhiều sản phẩm có chất lượng cao, tạo được uy tín với khách hành trong tỉnh và nhiều tỉnh bạn như Bình Thuận, Bình Dương, Đắc Lắc, Quảng trị, Tây Ninh.

Hiện thu nhập của gia đình bà năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2009, 2010 doanh thu đạt trên 900 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Gia đình bà đã xây dựng một nhà xưởng với diện tích 175m2, tạo việc làm cho 10 lao động được trả lương từ 2.7 - 3.9 triệu đồng//tháng. Hàng năm, gia đình bà còn hỗ trợ vốn vay không tính lãi cho các hộ nông dân nghèo từ 5 đến 10 triệu đồng để tăng gia sản xuất, thoát nghèo và tặng quà cho các gia đình nghèo, các cháu học sinh nghèo hiếu học từ 5-10 triệu đồng mỗi năm.

Năm 2009, được sự động viên và hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp, vợ chồng bà tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và giải pháp sáng tạo: “Máy dập sắt cho nghề rèn” đã đạt giải nhì, được UBND tỉnh BR-VT tặng Bằng khen. Năm 2010-2011 gia đình bà tiếp tục tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và của Trung ương Hội NDVN với giải pháp sáng tạo: “Máy cắt thái cây chuối, rau cỏ cho gia súc, gia cầm”.

Thời gian tới gia đình bà có ý định sẽ mở rộng sản xuất cải tiến một số công cụ như: máy xạ hàng, gieo hạt, phục vụ cho nông dân sản xuất lúa, bắp, đậu,… giúp nâng cao năng suất, giảm ngày công lao động cho bà con. Đồng thời, bà dự định mở rộng thêm cơ sở sản xuất, thu hút thêm lao động, phấn đấu để có thể giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động trên địa bàn./.