Sinh ra trong một cảnh sống nghèo khó từ nhỏ, lớn lên lấy chồng bị nhiễm chất độc dioxin... Tuy nhiên, với hơn 30 năm ròng nỗ lực vượt khó, chị Đào Thị Thiện, ngụ tại thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã cập bến thành công và trở thành gương nông dân sản xuất giỏi, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương...
Tiểu sử phận nghèo của người phụ nữ thôn quê
Xuất thân trong một gia đình thuần nông với cuộc sống đầy nghèo khó. Gia đình có 04 chị em, vì là út nên được đi học đến hết lớp 7. Năm 1979 chị lập gia đình. Chồng chị là bộ đội và tham gia công tác ở chiến trường phía nam nên bị nhiễm chất độc Dioxin, anh chị đã không thể có con do mình sinh ra. Khao khát làm mẹ như bao người phụ nữ khác, anh chị đã nhận hai cháu một trai, một gái về làm con nuôi. Cuộc sống từ ngày ấy, một mình chị gánh vác bởi chồng đã mất sức lao động. Chị Thiện là lao động chủ lực trong gia đình, bươn trải làm đủ thứ nghề từ làm ruộng, chăn nuôi thậm chí mở xưởng hàn để phục vụ nông nghiệp. Số tiền trợ cấp ít ỏi của chồng không đủ bù đắp thiếu hụt phải chi tiêu hằng ngày, chi phí cho con cái học hành, lúc chồng trái nằng trở trời. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chị vẫn không nản trí và vươn lên hết mình. Những lúc chị khó khăn luôn có những người chung tay giúp đỡ. Năm 1996, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn, Qũy tình thương đã về hướng dẫn chị làm kinh tế hộ gia đình và hỗ trợ vay vốn. Năm 1997, chị tham gia vào hội viên nhóm tình thương và là nhóm trưởng, cùng đoàn kết với các chị em trong hội để suy nghĩ cách làm kinh tế có hiêu quả nhất.
Quả ngọt sau những nỗ lực phấn đấu không ngừng
Năm 2006 tình cờ một lần xem chương trình truyền hình giới thiệu nghề trồng nấm, rất dễ làm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Xuất phát từ tinh thần ham học hỏi và sáng tạo, chị đã quyết tâm tìm mọi cách để tìm hiểu kỹ thuật trồng cây nấm. Kết hợp nghề nông nghiệp với trồng nấm, cuộc sống của gia đình chị đã thay đổi. Từ việc tận dụng các sản phẩm như rơm rạ, lõi ngô…sử dụng để trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu chị đã vay 8 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất. Với số vốn đã vay, chị tiến hành xây dựng được 200 m2 lạn trái để sản xuất sau đó mở rộng lên tới 650 m2, tạo việc làm và hướng dẫn nghề cho 15 lao động. Trừ các chi phí, lợi nhuận thu được 100 triệu đồng, đã tạo cho người lao động có việc làm với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Năm 2010 các loại nấm được sản xuất đạt 38 tấn, tiền thu về hơn 500 triệu đồng, trừ các chi phí, chị thu về được 230 triệu đồng.
Sau bao nỗ lực phấn đấu đã được bù đắp, chị Thiện từ một hộ nông dân có kinh tế khó khăn vươn lên làm giàu và còn tạo việc làm cho người lao động trong xã. Chị được biểu dương và khen thưởng là “hộ sản xuất kinh doanh giỏi”, tạo việc làm cho 30 chị em nghèo, hướng dẫn trồng nấm cho một số hộ gia đình trong thôn./.