Mấy năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình theo quy mô trang trại đang “nở rộ” trên địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Từ sự năng động, đổi mới, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, nhiều nông dân Bắc Quang đã vươn lên, không những thoát nghèo mà còn sở hữu trong tay số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Bí quyết làm giàu của họ rất đơn giản, ai cũng có thể làm được.
Toạ lạc ngay mặt đường trung tâm thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) là ngôi nhà khang trang của gia đình anh Cao Xuân Hậu, nông dân điển hình trong phong trào phát triển kinh tế trang trại. Anh Hậu có dáng người nhỏ, gầy nhưng từng hành động, lời nói và cách tính toán lại rất nhanh, khác rất nhiều những nông dân vùng cao tôi đã gặp. Ngôi nhà cao tầng với nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền được anh xây dựng bằng số tiền thu được từ làm vườn, chăn nuôi Nhím theo quy mô trang trại. Đưa chúng tôi đi thực tế trang trại nuôi Nhím, anh Hậu cho biết: Năm 1981, anh rời quân ngũ trở về mảnh đất Yên Thuận, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) lập nghiệp. Yên Thuận là vùng cam nổi tiếng của huyện Hàm Yên, nhận biết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, anh đã vay vốn, đầu tư phát triển vườn cam theo quy mô trang trại. Khoảng 5 năm về trước, cam rất được giá, gia đình anh có nguồn thu nhập lớn từ trồng cam. Không bằng lòng với những gì đã có, năm 1994 anh chuyển cả gia đình đến thị trấn Vĩnh Tuy lập nghiệp. Trước khi quyết định đầu tư số tiền hàng trăm triệu đồng vào lĩnh vực chăn nuôi, anh đã tính toán rất kỹ. Nếu nuôi những loài gia súc, gia cầm thông thường như lợn, gà, vịt thì tính rủi ro rất cao do hay bị dịch bệnh, giá cả thất thường, chỉ có chăn nuôi các loài đặc sản mới cho thu nhập cao. Vậy là, cách đây 3 năm, khi việc nuôi Nhím chưa được nhiều người biết đến thì anh đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại, mua Nhím giống về nuôi.
Trước khi đưa những con Nhím đầu tiên về nuôi, anh đã dành nhiều thời gian tầm sư học kỹ thuật nuôi ở các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn và mua tài liệu về tự nghiên cứu đặc tính của loài Nhím. Nhím là loài gặm nhấm, ít mắc dịch bệnh, chi phí thức ăn cho Nhím không cao, bình quân mỗi con Nhím trưởng thành chỉ ăn hết 1 nghìn đồng tiền thức ăn/ngày. Trong khi đó, giá Nhím giống và Nhím thương phẩm trên thị trường rất cao, nhu cầu tiêu thụ lớn, bình quân một cặp Nhím sinh sản giá khoảng 11 triệu đồng, giá Nhím thịt giao động từ 3-4 trăm nghìn đồng/kg. Nhận biết những lợi thế từ nghề nuôi Nhím nên nhiều gia đình đã đầu tư nuôi Nhím. Khi đó, anh Hậu đã có trong tay đàn Nhím hàng chục con sinh sản và Nhím thịt. Đã có rất nhiều người tìm đến trang trại của anh đặt mua Nhím giống, nhiều nhà hàng cũng đặt hàng cung cấp thịt Nhím thương phẩm, sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Hiện nay, giá 1 cặp Nhím sinh sản giao động từ 8-11 triệu đồng, 300-500 nghìn đồng/kg thịt Nhím, mỗi năm gia đình anh đã thu về hàng trăm triệu đồng. Vừa đảm nhận việc cung cấp giống cho thị trường, anh Hậu còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nuôi Nhím cho các hộ dân. Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Xuân Hậu cho biết: Thịt Nhím có nhiều giá trị dinh dưỡng, thơm, ngon, một số thành phần trong thịt Nhím có tác dụng chữa bệnh nên được thị trường ưa chuộng. Với số lượng phát triển của đàn Nhím trong dân hiện nay chưa đủ cung cấp cho thị trường bởi lẽ, phần lớn vẫn được nuôi theo quy mô nhỏ, mỗi gia đình một vài đôi Nhím nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Từ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, anh Cao Xuân Hậu đang là chủ trang trại nuôi Nhím với quy mô trên 200 con, trong đó có 100 con Nhím sinh sản, tổng giá trị của trang trại nuôi Nhím hiện đạt khoảng trên 2 tỷ đồng.
Mấy năm gần đây, vùng cam sành nổi tiếng Bắc Quang đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài chuyện cây cam luôn phải chống chịu với sâu bệnh thì giá cam liên tục bị sụt giảm khiến các nhà vườn lao đao, vùng cam bị thu hẹp diện tích. Mặt khác, nhiều nhà vườn không đầu tư chăm sóc nên quả cam chất lượng thấp. Thế nhưng, trong khó khăn chung ấy vẫn có những nhà vườn làm ăn hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi mùa thu hoạch. Khi chúng tôi đến trang trại cam của gia đình ông Vũ Văn Mạnh, thôn Thống Nhất (Vĩnh Hảo - Bắc Quang) đúng vào dịp mùa cam chín rộ. Vụ cam năm nay, trang trại của gia đình ông Mạnh có 8 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 400-450 tấn quả. Từ sự mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào trồng, chăm sóc nên sản phẩm cam sành của gia đình ông mẫu mã rất đẹp, quả đều. Trao đổi với chúng tôi, ông Mạnh cho biết: Thời điểm này, giá cam bán tại vườn là 2 nghìn đồng/kg nhưng các điểm bán lẻ giá cam vẫn đạt 5 nghìn đồng/kg, ở một số Siêu thị tại Hà Nội, cam sành Hà Giang có giá bán 10 nghìn đồng/kg. Điều này chứng tỏ cam sành Hà Giang vẫn được thị trường tín nhiệm, giá cam thấp như hiện nay do việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các nhà vườn đang bị buông lỏng, người trồng cam rất thiếu thông tin nên bị ép giá. Nhận ra những hạn chế đó, ông Mạnh đã thực hiện chiến lược trực tiếp phân phối sản phẩm tại các điểm tiêu thụ cam ngoài tỉnh nhằm nâng cao giá thành sản phẩm. Theo ông Mạnh giá cam tại vùng trồng có khả năng còn xuống thấp, trong bối cảnh đó, những nhà vườn đầu tư theo quy mô nhỏ với năng suất vài chục tấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể rơi vào tình trạng giá trị sản phẩm thu về không đủ chi phí đầu tư. Còn những nhà vườn có sản lượng từ 100 tấn trở lên, may chăng đủ chi phí. Như vậy, chỉ có những nhà vườn đầu tư theo quy mô lớn, sản lượng cam đạt vài trăm tấn là có lãi. Tình trạng ảm đạm của cây cam mấy năm gần đây có nguyên nhân do các nhà vườn thiếu thông tin nên thường đầu tư theo kiểu “tát nước theo mưa” mà chưa có chiến lược cụ thể nên rất dễ chịu tác động khi giá cả thị trường biến động. Theo dõi quy luật của giá cam trên thị trường cho thấy những nhà vườn có chiến lược hợp lý từ khâu đầu tư chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm sẽ tiếp tục gặt hái được thành công. Ngay như trang trại cam của gia đình ông Mạnh, năm nay dự kiến sau khi trừ đi chi phí ông vẫn còn thu lãi vài trăm triệu đồng.
Qua cách làm giàu từ phát triển kinh tế hộ gia đình theo quy mô trang trại của những nông dân Bắc Quang cho thấy, việc làm giàu trong nông nghiệp nông thôn không khó. Có rất nhiều cách, nhiều việc để người nông dân thoát nghèo ngay trên đồng đất quê hương. Chuyện làm ăn của những người nông dân Bắc Quang rất cần được học tập và nhân rộng.