Từ năm 2006, bác Trần Văn Long ở đội 7 xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã cùng gia đình bắt tay cải tạo khu ruộng trũng tại khu vực Sốc Trật Tư để làm trang trại đa canh. Khác với nhiều trang trại, ông chủ Long đã tận dụng mọi quỹ đất, mạnh dạn đầu tư đưa các giống cây con hàng hóa cho giá trị kinh tế để phát triển mô hình ngày một hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình với tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Bác Long cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã Ngọc Lũ về dồn điền đổi thửa để làm trang trại đa canh, gia đình đã mạnh dạn quyết tâm nhận 2,4 ha ruộng trũng khi đó còn là địa hình bậc thang, nắng to thì hạn, mưa to thì ngập úng, mỗi năm chỉ thu được một vụ, nên các hộ xã viên đều xin trả lại. Thấy lãng phí, gia đình tôi đã nhận và thuê máy súc đào ủi, xan lấp thành khu đất như bây giờ rồi đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi lợn – trồng cây.
Khó khăn ban đầu là thiếu vốn, bác Long phải huy động mọi nguồn lực từ gia đình, bạn bè, vay lãi ngân hàng với con số đầu tư tiền tỷ để cải tạo ao, xây chuồng trại, đầu tư con giống, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất… Tổng diện tích được quy hoạch gọn, phù hợp cho từng cây trồng vật nuôi mang tính khoa học. Trong đó dành 4 mẫu để đào 6 ao chuyên nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… Dành 500m2 xây ngăn thành 9 ô để nuôi lợn thương phẩm. Diện tích còn lại bác trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm. Sau 7 năm vừa cải tạo đầu tư xây dựng, học hỏi kinh nghiệm qua các kênh, đến nay trang trại đa canh của bác đã khang trang tươm tất, mọi cây con đều cho thu nhập, nhìn vào đâu cũng ra tiền, bác trở thành 1 trong những anh chị cả trong phòng trào xây dựng mô hình đa canh của xã.
Hàng năm, bác nuôi 3 lứa lợn được bắt giống với trọng lượng 40kg/con về chăm sóc nuôi dưỡng thành lợn thương phẩm. Sau 2,5 – 3 tháng lợn đạt trung bình 120kg/con là cho xuất chuồng. Mỗi lứa lợn thường nuôi 120-150 con thương phẩm, đạt 40-50 tấn/năm. Nguồn thu chính thứ 2 là con cá, mỗi năm thu 2 lứa với sản lượng 10 tấn/năm. Theo kinh nghiệm của bác: trong các loại cá truyền thống, cá trôi, cá trắm dễ dàng tiêu thụ được khách hàng lựa chọn mua nhiều nhất, nên sức tiêu thụ phổ cập rộng rãi.
Được biết những năm trước đây, nghề trồng cây cảnh cũng giúp gia đình bác Long hái ra tiền tỷ, nhưng hai năm trở lại đây nghề này chững lại theo xu thế thị trường, nên hiện nay 1.500 gốc cây cảnh chủ yếu là cây xanh và si tiêu thụ chậm, song bác không phải lo lắng nhiều vì cây cảnh vừa làm đẹp tạo không gian mát mẻ cho trang trại, lại cho giá trị cao về độ tuổi cây lâu năm khi gặp khách bán sẽ được giá cao. Cây cảnh như món đồ để dành kinh doanh lâu dài. Hơn nữa với sự đa dạng hóa của trang trại sẽ giúp bác lấy ngắn nuôi dài, hỗ trợ vốn cho nhau. Trong các loại cây ăn quả, 500 gốc bưởi diễn cũng đã bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2009, giúp bác thu nhập thêm được vài ba chục triệu đồng trên một vụ. Với bác Long, con cá con lợn, cây ăn quả cho thu nhập ổn định theo quý, theo vụ, còn cây cảnh là tài sản lâu dài, ăn may gặp khách thì được giá. Nhẩm tính từ sản lượng, tiền thu từ các đối tượng cây trồng vật nuôi của trang trại đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, trừ mọi chi phí cho lãi khoảng 200-250 triệu đồng.
Là người tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bác đã đầu tư xây dựng Bioga, hệ thống bơm nước, sủi tạo oxy trong ao nuôi cho cá, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật như: tiêm phòng bệnh cho lợn theo định kỳ, xử lý nguồn nước ao cá, vệ sinh chuồng trại… nên trong suốt những năm qua, trang trại của bác Long không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt để chủ động vận chuyển hàng hóa, bác đầu tư hẳn 1 xe ô tô trọng tải 1,4 tấn để đưa hàng đi khắp nơi tiêu thụ. Đồng thời tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công lao động chuyên theo dõi, chăm sóc cây trồng vật nuôi, thu hoạch vận chuyển sản phẩm với mức lương hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy bác Long luôn mạnh dạn đưa các con nuôi hàng hóa vào trang trại như nuôi cá trắm cỏ, chim trắng, rô phi đơn tính đều cho thu nhập cao, đặc biệt năm 2011 bác còn thả 1000 con baba, tuy nhiên gặp mưa lớn baba bị thất thoát, giờ chỉ còn khoảng 300 con với trọng lượng 1,5-2kg/con. Đây cũng là bài học quý báu cho bác Long trong vấn đề quản lý đối tượng con nuôi mới.