00:00 Số lượt truy cập: 2668722

Hà Nam: Sớm tìm đầu ra cho sản phẩm rau sạch Thanh Tuyền 

Được đăng : 03/11/2016

Mặc dù rau sạch Thanh Tuyền đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam công nhận đảm bảo các tiêu chí an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, nhưng những năm qua, người trồng rau sạch nơi đây vẫn phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.



 Người trồng rau sạch Thanh Tuyền đang thu hoạch lứa rau cải đưa đi tiêu thụ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hồng - Trưởng nhóm sản xuất rau sạch Thanh Tuyền (phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cho biết: "Từ lâu, địa bàn chúng tôi đã có truyền thống trồng rau các loại để cung cấp cho người tiêu dùng tại địa phương và các tỉnh lân cận. Cách đây khoảng 4 năm, với mục đích cung cấp ra thị trường các sản phẩm rau, quả sản xuất theo quy trình VietGap (dựa trên bốn tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất; An toàn thực phẩm; Môi trường làm việc; Truy tìm nguồn gốc sản phẩm), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam đã quy hoạch Thanh Tuyền là vùng trồng rau an toàn".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam đã lên ý tưởng hướng dẫn và mở lớp dạy kỹ thuật cho các thành viên vùng rau Thanh Tuyền từ năm 2012. Khi mô hình trồng rau sạch bắt đầu đi vào hoạt động, đã có trên 30 hộ thành viên tham gia với diện tích trồng hơn 2 ha đất màu được chuyển sang đất rau. Các sản phẩm rau gồm: Hành lá, cải lồng, cải củ, rau thơm,… được trồng đan xen, cuốn chiếu, đa canh theo kiểu mùa nào rau ấy.

Khi bắt đầu triển khai, các thành viên gặp rất nhiều khó khăn. Việc đầu tiên là phải cải tạo lại đất, xử lý đất theo đúng quy trình (vãi vôi, bón xỉ than, trồng cỏ,…) trong vòng 6 tháng. Khó khăn nhất, là việc kêu gọi các thành viên có ruộng gần nhau để quy hoạch thành mô hình rau sạch theo quy chuẩn. Khó khăn tiếp là đến khi sản phẩm được thu hoạch lại vướng mắc đầu ra không ổn định. Trên thị trường, sản phẩm rau sạch Thanh Tuyền còn ít được người tiêu dùng biết đến. Do đó, lượng tiêu thụ rất ít, chỉ đạt bình quân 4 - 5 tạ rau/ 1 tháng.

Ông Trần Hoàng Thạch, hô trồng rau sạch Thanh Tuyền (xóm 2, phường Thanh Tuyền) khẳng định: Hiện tại, đầu ra rau sạch vẫn còn gặp khó khăn. Người tiêu dùng chưa có tầm nhìn xa vào rau an toàn, chưa tin tưởng nhiều và còn do dự về giá cả. Mỗi tháng, gia đình chỉ tiêu thụ được hơn 1 tấn rau, bán với giá 13 nghìn đồng/ 1 cân.

Theo ông Thạch, nhà ông có 2 sào đất trồng rau sạch và đang được thí điểm chuyển sang rau sạch trong nhà lưới để giảm bớt ánh nắng gắt chiếu vào mùa hè và ấm về mùa đông. Hơn nữa, nhà lưới có tác dụng chống được sâu bệnh ngoại vùng xâm nhập.

Nói về quy trình trồng rau sạch, ông Thạch cho hay, phải thực hiện nghiêm ngặt, cải tạo đất đủ thời gian, phân hữu cơ phải ủ 6 tháng, khi nào oai mục mới được sử dụng.  Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng chế phẩm theo sự hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam nhưng phải có cách ly. Nguồn nước được xử lý, đảm bảo vệ sinh khi tưới cho rau.

Bà Nguyễn Thị Vân, một hộ trồng rau khác bày tỏ: "Nhà tôi trồng cả mấy sào rau, thế nhưng mỗi ngày chỉ tiêu thụ được khoảng hơn chục ki-lô-gam. Điều băn khoăn nhất là rau của mình là sản phẩm rau sạch thật, nhưng khi đem ra chợ giới thiệu rau sạch, nhiều người vẫn tỏ ra ngờ vực. Chỉ những khách hàng quen từ trước thì họ mới lấy".

Chị Phạm Thị Thanh, nhà ở phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý cho biết: "Tôi là khách hàng thường xuyên sử dụng rau sạch Thanh Tuyền do nhà tôi có người quen ở đó. Tuy nhiên, ra chợ, tôi thấy không phải ai cũng biết đến rau sạch Thanh Tuyền như tôi. Tôi nghĩ hẳn do bà con trồng rau làm thương hiệu còn yếu. Hơn nữa, rau sạch ở Thanh Tuyền chủng loại còn đơn điệu, vì ngay bản thân, gia đình tôi cũng không thể ăn nhiều ngày một loại rau được mà phải chuyển sang các loại rau khác nữa để làm phong phú khẩu vị bữa ăn...".

Khó khăn là thế, nhưng các thành viên rau sạch Thanh Tuyền những năm qua vẫn rất đoàn kết, bảo nhau gây dựng mô hình trồng rau sạch ngày càng phát triển hơn. Tích cực quảng bá, tuyên truyền sản phẩm đến người tiêu dùng, họ tin rằng đến một ngày nào không xa, người tiêu dùng sẽ biết đến và tiêu thụ sản phẩm rau sạch mang thương hiệu Thanh Tuyền. Còn Trưởng nhóm sản xuất rau sạch Thanh Tuyền - bà Trần Thị Hồng cho biết, mới đây, có một đoàn công tác Nhật Bản đã về tham quan mô hình trồng rau toàn của phường Thanh Tuyền. Đoàn nhận xét mô hình trồng rau của địa phương đảm bảo an toàn và có tài trợ tem, túi bóng sạch để đóng gói sản phẩm. 

Ông Lại Văn Hiếu - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam cho biết: Hiện nay, diện tích thực tế của mô hình rau sạch Thanh Tuyền rộng khoảng 3 ha, với tổng số 39 hộ gia đình tham gia sản xuất. Khó khăn nhất đầu ra cho sản phẩm rau sạch ở địa bàn hiện nay là do chủng loại chưa phong phú. Bà con chỉ sản xuất cố định các sản phẩm truyền thống như: Hành lá, củ cải, rau thơm, bắp cải.., lại tập trung theo thời vụ với số lượng lớn mà không theo kế hoạch dài do Trung tâm khuyến nông về phổ biến... Do vậy, sản phẩm rau sạch làm ra khó khăn trong việc chiếm lĩnh được thị trường, trong khi giá rau sạch thường cao hơn khoảng 20%. Hiện chúng tôi đang triển khai các kế hoạch tiêu thụ cho sản phẩm, lập các cửa hàng bao tiêu, giới thiệu bán sản phẩm rau sạch nhằm hỗ trợ đầu ra cho bà con và bước đầu đã có những tín hiệu khả quan.

Ông Lại Văn Hiếu cho biết thêm, nếu muốn gỡ vướng mắc về đầu ra, trước tiên, Thanh Tuyền phải làm phong phú về chủng loại sản phẩm, mở rộng diện tích, sản xuất theo kế hoạch dài hạn; từ đó mới đủ điều kiện để cơ quan chuyên môn địa phương mời gọi các doanh nghiệp về ký kết, bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn, ổn định.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề đầu ra ngay lúc này giúp người trồng rau sạch ở Thanh Tuyền, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên trách, trực tiếp là Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ cho người trồng rau địa phương, đặc biệt là việc tìm thêm các đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để sản phẩm rau sạch Thanh Tuyền được nhiều người tiêu dùng biết đến./.

Bài và ảnh: Kim Chiến