00:00 Số lượt truy cập: 2668842

Hà Quảng: Biến thuốc lá thành cây xóa nghèo 

Được đăng : 03/11/2016

Từ lâu, người dân huyện Hà Quảng (Cao Bằng) vẫn gọi thuốc lá là cây xoá nghèo, làm giàu bởi lợi ích kinh tế mà nó mang lại cho người dân nơi đây thực sự rõ nét…


Thuốc lá, cây xóa nghèo.

Hà Quảng hiện có khoảng 10 xã trồng thuốc lá, năng suất đạt 20 tạ/ha, sản lượng 1.137 tấn. Thuốc lá là cây trồng phù hợp với nhiều địa phương, góp phần tăng thu nhập cho hàng vạn hộ nông dân, tăng hệ số sử dụng đất. Theo thống kê, tỉnh Cao Bằng có thể mở rộng diện tích trồng thuốc lá lên 4.000-5.000ha, trong đó Hà Quảng là một trong các huyện trọng điểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lãnh Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, 5 tháng đầu năm 2011, toàn huyện gieo trồng được 631,1ha thuốc lá, đã thu hoạch được 40%, với giá bán như hiện nay thì trung bình mỗi hecta thuốc lá cho thu nhập 70-80 triệu đồng. Nếu như 5 năm trước đây, đời sống của người dân Hà Quảng còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo hơn 40%) thì đến nay, cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều, nhà cửa khang trang với tiện nghi ngày càng đầy đủ.

Hiện, huyện Hà Quảng đã tiến hành xây dựng các lò sấy lá thuốc thủ công nhằm đảm bảo chất lượng lá thuốc khi giao cho chủ hàng. Riêng tại các xã, thị trấn trọng điểm trong vùng trồng thuốc lá, huyện chủ trương xây dựng lò sấy và bảo quản lá thuốc với trang thiết bị tiên tiến, bước đầu đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Anh Nguyễn Văn Tưởng ở thị trấn Hà Quảng hồ hởi khoe, gia đình anh đã chuyển đổi hơn 3ha đất trồng lúa và hoa màu sang trồng thuốc lá. Qua các năm thu hoạch cho thấy, cây thuốc lá thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, vừa dễ trồng, dễ chăm sóc. Mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng. "Nông dân trong thị trấn chúng tôi cứ 3 nhà chung tiền xây một lò sấy thủ công, do vậy khi cây thuốc lá đến thời kỳ thu hoạch các thương lái đến tận nơi thu mua", anh Tưởng cho biết.

Ngoài Cao Bằng, nhiều vùng nguyên liệu thuốc lá trọng điểm khác đã được đưa vào diện quy hoạch phát triển như: Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh… Hiện nay, với diện tích trồng khoảng 30.000 ha/năm, các vùng nguyên liệu thuốc lá đã giải quyết việc làm cho khoảng 200.000-300.000 lao động thường xuyên, khoảng 400.000 lao động thời vụ và hàng vạn người tham gia vào các dịch vụ thương mại thuốc lá khác.