Câu chuyện khai hoang, chuyện đời của ông Nhâm thật bình dị như vỡ đất trồng khoai sắn, dong riềng mà mặn nồng tình cảm dân dã của ông già miền sơn cước. Tâm nguyện lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế" ông đã vượt khó để làm giàu. Trước đây, hai lao động làm nghề nông ở vùng đồi núi phải nuôi 6 miệng ăn và các con ăn học, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Nguyện vọng phải thay đổi cách làm ăn, lại được chính quyền địa phương giúp đỡ, ông đã mạnh dạn đưa gia đình đi khai hoang. Ngày tháng chăm chỉ phát rẫy trồng cây, cả gia đình vật lộn với quả đồi Lũng Vo đầy lau và cỏ dại. Thế rồi dần dần 6 ha đất đã phủ kín mầu xanh rau màu, khoai sắn và cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Làm ra nhiều sản phẩm nhưng những năm đầu, giá các loại nông sản như sắn, dong riềng còn rẻ, thu nhập còn rất thấp. Không nản chí, ông động viên gia đình chăm chỉ làm ăn. Không phụ công người, chỉ sau 4 năm khởi nghiệp trên vùng đất mới, vườn rừng keo tai tượng trên 2 ha đã lớn, trên 1 ha cây ăn quả như: xoài, nhãn, vải, hồng xiêm, trám đen đã cho thu hoạch lứa đầu. Trước mùa thu hoạch, ông Nhâm đi tìm khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm cứ thu hoạch đều đều, bán trên 100 tấn sắn thu về cho gia đình ông 140 đến 150 triệu đồng. Tính toán mức thu nhập như vậy là không cao so với công sức bỏ ra, ông đã quyết định chuyển hướng bằng cách quy hoạch lại 6ha đất rừng, đào 3 cái ao, chia ô để nuôi cá thương phẩm đồng thời lựa chọn cây ăn quả cho giá trị thu nhập cao vào mở rộng diện tích. Được Trạm khuyến nông huyện giúp đỡ, ông còn chịu khó học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi; tiếp thu kỹ thuật, lựa chọn giống cá chép lai và rô phi đơn tính vào chăn nuôi, ngay từ lứa đầu đã thả hơn 6.000 con. Chỉ 2 năm sau, gia đình ông đã trở thành hộ sản xuất giỏi; trung bình mỗi năm, thu 6 tấn cá thịt. Những năm gần đây, ông còn mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm với qui mô đàn tập trung từ 800 đến 1.000 con gà/lứa, trên 50 con lợn thịt/năm; trong chuồng luôn có 7 đến 10 con bò; 1 mẫu đất cấy lúa 2 lúa 2 vụ và duy trì trên 1 ha đất trồng sắn và dong riềng. Hai năm qua, gia đình ông có nguồn thu ổn định trên 200 triệu đồng/năm. Chuẩn bị vào mùa thu hoạch năm nay, ông Nhâm không bán khoai sắn củ tươi nữa mà đầu tư hơn 40 triệu đồng mua máy móc để chế biến tinh bột. Ba tháng qua, gia đình ông đã sản xuất được trên 20 tấn tinh bột cung cấp cho các làng nghề và các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm. Các phế phẩm từ quy trình sản xuất tinh bột được tận dụng làm thức ăn cho cá, lợn và làm phân bón.
Gia đình ông Nhâm đã trở thành hộ nông dân điển hình sản xuất giỏi là tấm gương cho nhiều hộ dân của vùng núi Ba Vì vượt khó vươn lên xoá đói nghèo, nâng cao đời sống và làm biết cách làm giàu./.