00:00 Số lượt truy cập: 2999417

Hải Dương: Chăn nuôi an toàn dịch bệnh để nâng cao giá trị sản phẩm 

Được đăng : 03/11/2016

Những trang trại được công nhận là cơ sở chăn nuôi ATDB, thương lái đến đặt mua hàng nhiều hơn. Khi bán, lợn cũng có giá cao hơn những nơi nuôi khác...


Từ khi được công nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, lợn thịt của gia đình anh Nguyễn Kim Tuyến ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ - Hải Dương) bán được giá hơn

Cách đây 3 năm, cơ sở chăn nuôi của anh Nguyễn Kim Tuyến ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) được xây dựng và đến tháng 6 vừa qua được công nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB). Anh Tuyến cho biết: "Từ khi được công nhận là cơ sở chăn nuôi ATDB, thương lái đến đặt mua hàng nhiều hơn trước đây. Nhiều người mang tiền đến đặt cọc trước để có hàng, thậm chí còn muốn ký kết hợp đồng làm ăn lâu dài. Khi bán, lợn cũng có giá cao hơn những nơi chăn nuôi khác".

Để xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, anh Tuyến chọn địa điểm xây dựng trang trại ngoài cánh đồng, xa khu dân cư, ít người qua lại. Mỗi loại lợn được bố trí chuồng riêng phù hợp như chuồng nuôi lợn mới nhập, chuồng nuôi lợn nái, lợn tách mẹ, lợn thịt... Cơ sở có hệ thống cây xanh tạo bóng mát. Các chất thải chăn nuôi được dọn dẹp thường xuyên và được xử lý bằng hầm bi-ô-ga. Khoảng 2 - 3 ngày anh lại phun thuốc sát trùng 1 lần. Sau khi xuất bán lợn, chuồng trại đều được phun thuốc khử trùng, tiêu độc, để trống chuồng từ 15 ngày đến 1 tháng trước khi nuôi lứa mới.

Cơ sở chăn nuôi của chị Dương Thị Huyền ở thôn Quán Đào, xã Tân Tiến (Gia Lộc) có quy mô 200 con lợn nái, mỗi năm nuôi từ 3.000 - 3.500 con lợn thịt, cũng được công nhận là cơ sở ATDB từ tháng 6-2011. Chị Huyền cho biết, để được công nhận ATDB thì cơ sở phải đáp ứng được các quy định như mỗi năm 2 lần lấy mẫu máu của lợn để xét nghiệm, mẫu máu phải không có bệnh. Định kỳ 3 tháng 1 lần, cán bộ thú y của tỉnh sẽ xuống kiểm tra công tác vệ sinh thú y của cơ sở. Trong quá trình chăn nuôi phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn lợn theo định kỳ, phun thuốc sát trùng thường xuyên. Đàn lợn khi nhập về được nuôi cách ly để theo dõi, tiêm phòng các loại bệnh theo quy định. Các chất thải được xử lý bằng hầm bi-ô-ga. Chuồng trại được phân chia thành nhiều loại chuồng khác nhau, thích hợp với từng loại lợn. Trước khi vào chuồng, công nhân phải thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng bằng cách phun thuốc sát trùng vào quần áo. Cơ sở chăn nuôi của chị Huyền còn hạn chế người lạ vào nhằm tránh lây lan mầm bệnh. Chị Huyền cho biết: "Từ khi được công nhận là cơ sở ATDB, tôi cảm thấy yên tâm hơn trong chăn nuôi. Những vướng mắc về kỹ thuật đều được cán bộ thú y huyện, tỉnh giải đáp, được hướng dẫn nhiều phương pháp chăn nuôi, phát hiện dịch bệnh khoa học".

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phạm Thế Thoại cho biết: Những năm qua, các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh đã được quy hoạch, xây dựng và áp dụng các biện pháp chăn nuôi tiên tiến, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm cung ứng sản phẩm chăn nuôi chất lượng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc quản lý về xuất, nhập con giống, tiêm phòng vắc-xin, thủ tục kiểm dịch, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Để nâng cao ý thức của người chăn nuôi, từ năm 2009, Chi cục Thú y đã hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký thực hiện mô hình chăn nuôi ATDB. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 cơ sở được công nhận là cơ sở ATDB. Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB đã tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi cũng như công tác quản lý. Người chăn nuôi sẽ được hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi sạch, ATDB, từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng, bán được giá. Thủ tục xuất sản phẩm đơn giản. Về phía các cơ quan nhà nước, do thường xuyên kiểm tra các cơ sở chăn nuôi ATDB nên nắm bắt tình hình khá rõ, vì vậy việc cấp giấy kiểm dịch cũng dễ dàng hơn, có thể cấp "từ xa".

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở ATDB còn nhiều khó khăn. Để được công nhận là cơ sở ATDB phải đáp ứng được các yêu cầu về: khai báo dịch bệnh, quy định về tiêm phòng, quy định về kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y và giết mổ động vật, quy định về chẩn đoán, xét nghiệm bệnh, quy định về xử lý động vật mắc bệnh truyền nhiễm... Mỗi năm, các cơ sở phải chi phí thêm vài triệu đồng cho các mẫu xét nghiệm trong khi Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách ưu tiên cho công việc này. Một số người chăn nuôi vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở ATDB.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Muốn chăn nuôi bền vững thì các cơ sở chăn nuôi phải được công nhận là cơ sở ATDB. Thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục khuyến khích người chăn nuôi xây dựng cơ sở ATDB, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức vệ sinh thú y, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và nội dung Pháp lệnh Thú y, tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở ATDB trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa ngành chăn nuôi.