Đầu tư kinh phí khá lớn để nuôi dế nhưng dế thương phẩm không bán được khiến khoảng 50 hộ dân ở xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) lâm vào cảnh trắng tay... |
Về xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) những ngày này, từ làng trên đến xóm dưới, đâu đâu cũng nghe người dân than thở xoay quanh "câu chuyện buồn" về con dế. Chỉ cách đây vài tháng trước, phong trào nuôi dế thịt ở địa phương này còn diễn ra mạnh mẽ, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng chục gia đình; trong đó không ít hộ nghèo nhờ nuôi dế mà đã ổn định cuộc sống, bắt đầu tính chuyện làm giàu. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chính con dế lại khiến các hộ trong xã phải lao đao, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần… Người mua tháo chạy Sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi dế ở tỉnh Thái Bình thấy con dế dễ nuôi, đầu tư không lớn mà hiệu quả kinh tế lại cao, cuối năm 2010, Hội Phụ nữ xã đã tuyên truyền, vận động hội viên trong xã đầu tư chăn nuôi dế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Các cơ sở cung cấp dế giống cũng cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi khi đến kỳ thu hoạch. Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khai thác tối đa nguồn vốn từ các tổ phụ nữ góp vốn cho vay luân chuyển giúp hội viên vay đầu tư chăn nuôi; đồng thời, giới thiệu những địa chỉ chăn nuôi dế "có tiếng" ở tỉnh Thái Bình để chị em trực tiếp đến học tập kinh nghiệm và mua giống. Mới đầu, toàn xã chỉ có vài hộ ở thôn Tứ Kỳ Hạ đầu tư nuôi dế. Hộ nuôi ít có từ 20-30 thùng dế (thùng xốp được các hộ dân dùng để nuôi dế trong đó), hộ nuôi nhiều lên đến cả trăm thùng. Sau 40-45 ngày nuôi, dế thịt được các thương lái thu mua tận nơi với giá 300-400 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất người chăn nuôi vẫn còn lãi hơn một nửa. Thấy nuôi dế lãi cao, nhiều hộ dân trong xã cũng bắt đầu đua nhau nuôi dế. Từ vài hộ lúc ban đầu, sau chưa đầy nửa năm, đến tháng 6-2011 cả xã đã có khoảng gần 50 hộ tham gia. Không ít hộ nghèo quanh năm túng thiếu cũng vay mượn đầu tư nuôi dế với mong muốn ổn định cuộc sống. Trong lúc nghề nuôi dế ở Phượng Kỳ đang phát triển, các hộ dân rất phấn khởi vì con dế đã đem lại nguồn thu khá lớn giúp họ cải thiện cuộc sống thì bỗng nhiên các chủ cơ sở cung cấp dế giống ở Thái Bình phá vỡ cam kết trước đây, dừng thu mua dế thịt. Chị Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Đại diện một số gia đình nuôi dế trong xã đã trực tiếp đến gặp gỡ, yêu cầu chủ các cơ sở cung cấp dế giống tiếp tục duy trì việc thu mua dế thịt cho các hộ dân nhưng chỗ nào cũng từ chối. Sở dĩ chủ các cơ sở này không thu mua dế nữa vì hiện số lượng các hộ dân nuôi dế thịt ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nam Định và TP Hải Phòng... đã tăng lên rất nhiều so với năm trước, lượng dế thịt xuất bán ra thị trường cũng vì thế mà tăng lên, trong khi đó các nhà hàng, khách sạn lại chỉ thu mua dế thịt với số lượng khiêm tốn. Điều này khiến dế thịt bị mất giá từ 300-400 nghìn/kg xuống 120-150 nghìn/kg, loại ngon mới được 200 nghìn/kg. Thị trường tiêu thụ dế thịt gặp khó nên các cơ sở này chỉ tiêu thụ được sản phẩm do chính họ sản xuất ra, chứ không thể "bao" nổi cả dế của các hộ dân mà họ đã cung cấp giống. Nói về cam kết trước đây giữa các cơ sở cung cấp dế giống và các hộ dân nuôi dế trong xã, chị Phương cho biết: "Nói là cam kết, nhưng trên thực tế người bán và người mua dế giống chỉ nói miệng với nhau chứ không ký kết một loại văn bản, giấy tờ nào. Thành ra bây giờ người dân không thể có đủ căn cứ để yêu cầu các chủ cung cấp dế giống phải thực hiện như đúng cam kết hoặc là phải bồi thường cho họ". Không bán được sản phẩm, bà Nguyễn Thị Út đứng trước món nợ hơn chục triệu đồng Nông dân trắng tay Thực tế trên khiến các hộ nuôi dế trong xã lao đao, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Đã hơn 1 tháng nay, bà Nguyễn Thị Út ở thôn Tứ Kỳ Hạ mất ăn mất ngủ vì con dế. Tháng 2-2011, thấy nghề nuôi dế trong thôn phát triển, bà đến các gia đình tìm hiểu và vay 26 triệu đồng để đầu tư nuôi dế. Lúc đầu nuôi khoảng 30 thùng, sau thấy hiệu quả, bà tăng lên 120 thùng. Dế của gia đình bà phát triển tốt, chất lượng không thua kém gì so với con dế ở các nơi khác nên các thương lái đến thu mua đều đặn. Bình quân mỗi ngày, bà thu khoảng 1-1,2 kg dế thương phẩm, với giá bán bình quân 300-400 nghìn đồng/kg cũng cho gia đình nguồn thu khá, cuộc sống dần ổn định, không còn túng thiếu. Bà Út đã trả được một nửa món nợ thì dế không có người đến thu mua. "Những tưởng nuôi dế sẽ hết nghèo, nào ngờ nay lại thành… nghèo hơn. Tôi vẫn đang cố nuôi 4 thùng dế để làm giống, nhỡ thời gian tới có người thu mua tôi lại nuôi, may ra mới trả được nợ", bà Út ngậm ngùi. Cùng cảnh như bao hộ dân nuôi dế trong xã, chị Lê Thị Hợi cùng ở thôn Tứ Kỳ Hạ ngán ngẩm: "Nhà tôi nuôi gần 30 thùng dế. Vợ chồng đang dự định mở rộng thêm vài chục thùng nữa, nào ngờ con dế nuôi ra không có người mua. Dùng làm thức ăn mãi cũng chán, tụi trẻ nhà tôi bắt dế làm mồi cho chim, gà, vịt ăn…". Hiện hầu hết các gia đình trong xã đã bỏ nghề nuôi dế, chuyển sang nuôi lợn, gà. Một vài hộ vẫn cố nuôi vài thùng dế để duy trì con giống. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Thị Phương than thở: "Theo chỉ đạo của xã, Hội đã trực tiếp đi liên hệ với các nhà hàng, khách sạn ở cả trong và ngoài tỉnh giúp các hộ tiêu thụ dế, nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu…". Chị Phương cũng thừa nhận, khi bắt đầu vận động, tuyên truyền gia đình hội viên đầu tư nuôi dế, hội chỉ nghĩ đơn giản là con dế có giá bán cao, gia đình nào cũng có thể nuôi để tăng thu nhập, chứ không nghĩ rằng việc tiêu thụ sản phẩm lại khó khăn đến thế. Để nghề nuôi dế có thể phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì chính quyền hoặc các tổ chức đoàn thể địa phương phải quan tâm đến việc liên hệ, hợp tác tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi; có ký kết bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Các gia đình nuôi dế cũng cần quan tâm tìm hiểu kỹ thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng đầu tư làm ăn theo kiểu phong trào, thiếu tính bền vững để rồi cuối cùng vẫn bị thua lỗ. |