00:00 Số lượt truy cập: 3193771

Hải Dương: Trang trại triệu đô 

Được đăng : 03/11/2016

Trang trại Bình Minh (Hải Dương) có đàn đà điểu trên 500 con, trong đó có trên 260 con đà điểu sinh sản (khoảng 165 con đà điểu cái).


Trong khi nhiều trang trại đang cầm cự do thiếu vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ khó khăn, dịch bệnh tràn lan, thì có một phụ nữ ở vùng núi Kinh Môn đã đầu tư gần 2 triệu USD để phát triển trang trại.

Vượt hơn 30 cây số, chúng tôi đến thị trấn Minh Tân (Kinh Môn). Hỏi thăm đường vào trang trại nuôi đà điểu, chị bán xăng chỉ dẫn: “Em cứ đi thẳng, hết đường bê-tông là đến đường đất, đi khoảng 1 km nữa là đến chỗ nuôi đà điểu”. Phải vất vả lắm chúng tôi mới vượt qua đoạn đường đất lầy lội và trơn trượt bởi đêm trước trời mưa rào. Trước mắt chúng tôi, lẫn trong màu xanh bát ngát của núi rừng Tử Lạc là trang trại nuôi đà điểu của Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh.

Là người kinh doanh, đi nhiều, chị Nguyễn Thị Bình thấy nhu cầu sử dụng thịt đà điểu lớn, nhưng các nhà hàng đều phải nhập thịt từ Trung Quốc. Năm 2004, chị Bình bắt đầu tìm hiểu cách nuôi đà điểu, đi tham quan, học hỏi mô hình ở tỉnh bạn và Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương. Tại trung tâm, chị được giới thiệu về loại đà điểu châu Phi Ostrich. Sau đó, chị Bình đã lập Dự án “Bình Minh xanh thân thiện nhà nông” với tổng kinh phí đầu tư trên 50 tỷ đồng. Nội dung chính của dự án là đầu tư nuôi đà điểu Ostrich sinh sản và thương phẩm. Cuối năm 2009, dự án đi vào hoạt động. Dù chưa có kinh nghiệm, nhưng chị Bình vẫn liều mua của Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương 60 con đà điểu to nuôi sinh sản và 200 con nhỏ nuôi thương phẩm. Do vận chuyển, thay đổi môi trường sống nên đà điểu bỏ không ăn, chậm lớn, chị lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Chị phải khẩn trương mời cán bộ trung tâm về tập huấn kỹ thuật cho công nhân và tư vấn cách chăm sóc. Vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và vốn, sau 2 năm đi vào hoạt động, chị Bình đã xây dựng được trang trại rộng trên 10 ha, quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp, thật sự là trang trại xanh theo đúng tiêu chí của dự án. Hiện tại, trang trại Bình Minh có đàn đà điểu trên 500 con, trong đó có trên 260 con đà điểu sinh sản (khoảng 165 con đà điểu cái). Trang trại được xây dựng theo mô hình khép kín, từ sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm, vì vậy rất an toàn trong việc phòng, chống dịch bệnh. Ngoài nhà xưởng, chỗ ở cho công nhân rộng khoảng 2 ha, phần còn lại chị trồng cây xanh và cỏ. Chị đã đầu tư gần 40 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và con giống. Hiện tại, trang trại giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi người 2 triệu đồng/tháng.

Sau khi trang trại hoạt động ổn định, chị cử 2 lao động đi học kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và dinh dưỡng cho từng loại đà điểu. Chị Thắm, một cán bộ kỹ thuật cho biết: "Đà điểu là loại ăn tạp, thức ăn của chúng rất đơn giản, chủ yếu là các loại cây, rau cỏ, phụ phẩm từ thóc, gạo... Thậm chí, chúng còn ăn cả gạch, xi-măng, thủy tinh. Khu vực nuôi đà điểu luôn được công nhân dọn sạch sẽ, tránh các loại "thức ăn" trên, vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đà điểu. Đà điểu rất ít mắc bệnh. Là đà điểu châu Phi, nên càng về mùa nóng, chúng càng chóng lớn. Nhất là tháng 8, tháng 9, vừa có nắng, có gió, lại hanh khô, lông đà điều rất mượt".

Sau khi giới thiệu qua về ý tưởng và mô hình, chị Bình dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh trang trại. Đầu tiên là khu vực ấp trứng. Chị Bình bảo, khi mới nuôi, do chưa có kinh nghiệm và nguồn vốn còn hạn chế nên chị phải mua con giống. Khi đà điểu sinh sản, cứ 1 tuần, chị lại mang trứng lên Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương để ấp “nhờ”. Gần đây, số lượng đà điểu sinh sản tăng lên và việc đưa trứng đi, đón đà điểu con về mất rất nhiều thời gian nên chị đầu tư một giàn máy ấp trứng trị giá trên 400 triệu đồng. Giàn máy khá hiện đại, được phân làm nhiều ô khác nhau nên trứng đà điểu đẻ ra ngày nào là đưa vào ấp ngày đó. Đà điểu con vừa nở đã nặng trên 1 kg. Cách đó khoảng 50 m là khu vực của đà điểu sinh sản. Khác với suy nghĩ của tôi, những chú đà điểu rất... hiền và thân thiện. Vừa thấy chị Bình, lũ đà điểu đã chạy xô đến. Chị Bình nhổ một nắm cỏ đưa lên cho chúng ăn và bảo “đà điểu có cảm nhận khá tốt, chúng phân biệt được đâu là người quen và lạ. Mỗi ngày tôi ghé trang trại một lần để kiểm tra tình hình và... chơi với lũ đà điểu”. Đà điểu được đánh số đeo vào cổ để theo dõi. Trứng của chúng cũng được đánh số theo số của đà điểu mẹ. Trung bình mỗi năm, đà điểu đẻ 2 lần, mỗi lần từ 25 - 30 quả trứng, tỷ lệ nở tới 80%. Đà điểu trưởng thành rất cao lớn, con cái cao khoảng 2 m, nặng gần 1 tạ, con đực cao khoảng 2,5 m và nặng trên 1 tạ. Khu vực nuôi đà điểu sinh sản được chia làm nhiều ô khác nhau, bề ngang chừng 5 m, chiều dài khoảng 30 - 40 m, sân trải cát làm chỗ vui chơi cho chúng. Các ô chuồng đều có chỗ che bằng mái tôn, vừa là chỗ tránh mưa cho đà điểu vừa là chỗ để thức ăn. Mỗi ô có từ 10 - 15 con, trong đó cứ 2 con mái thì có một con trống. Thịt đà điểu hiện có giá 80 - 150 nghìn đồng/kg, trứng đà điểu 165 nghìn đồng/quả, đà điểu mới nở tùy theo ngày tuổi có giá từ 1,5 đến 2,7 triệu đồng/con. Từ khi có lò ấp trứng đến nay, chị Bình bán được gần 200 con đà điểu con và trên 500 quả trứng.

Sau khi tham quan mô hình, bác Thanh, một nông dân từ Hà Tây thắc mắc về thị trường tiêu thụ sản phẩm của đà điểu thì chị Bình khẳng định, nếu không tiêu thụ được trên thị trường tự do thì trang trại của chị sẵn sàng mua lại đà điểu thương phẩm cho người dân. Hiện tại, có rất nhiều người hợp tác với trang trại theo hình thức “nuôi gia công”. Chị Bình tâm sự, năm nay chị không có đà điểu thương phẩm để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Do nhu cầu mua của người dân rất lớn nên cách đây 5 - 6 tháng chị đã bán hết đà điểu con. Nhiều người đăng ký cả tháng mà chưa có đà điểu con để mua.

Nói về ý tưởng của mình trong tương lai, chị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại lên 3 nghìn con đà điểu, trong đó khoảng 500 - 700 đà điểu sinh sản và trở thành trang trại nuôi đà điểu lớn nhất toàn quốc. Chia tay người phụ nữ đầy nghị lực và tham vọng phát triển kinh tế này, chúng tôi chúc cho kế hoạch của chị sẽ thành công.