Hai đột phá lớn trong Nghị quyết 26 của Đảng là thay đổi cách đánh giá, suy nghĩ và cách làm đối với vấn đề nông nghiệp-nông thôn-nông dân”, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn nhận định khi trả lời báo Tiền Phong.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nói:
Trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, nông thôn, nông dân, phải lùi dần, nhường thế và lực cho công nghiệp, đô thị, nên chịu nhiều thiệt thòi; bất công trở thành mầm mống bất ổn.
Đột phá lớn nhất về tư duy trong Nghị quyết 26 của Đảng là đưa ra một cách nhìn rất mới và khoa học: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững...”.
Như vậy, nông nghiệp không phải là lực lượng chịu thiệt hại cần trợ cấp nhân đạo, không phải là lĩnh vực tạo nên bất ổn cần quản lý, không phải lĩnh vực lỗi thời phải hy sinh, mà là lực lượng tiên phong, xung kích, mở đường cho quá trình đổi mới, là động lực trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đột phá lớn thứ hai trong nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân thể hiện ở các đề xuất, giải pháp thực hiện.
Nghị quyết gắn phát triển nông nghiệp hiện đại với phát triển nông thôn tổng hợp và nông dân toàn diện, trong đó, cư dân nông thôn vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển xã hội. Như vậy, họ không phải là đối tượng chỉ biết trông chờ. Hai nội dung đột phá trên không chỉ đóng góp cho lý luận khoa học phát triển đất nước mà còn góp một cách nhìn rất hiện đại cho nghiên cứu lý luận phát triển mà nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay đang cùng tìm tòi.
Nông dân trồng cúc thay vì trồng lúa ở Hưng Yên. Ảnh: Minh Duy
Lịch sử cho thấy, mỗi lần chúng ta đổi mới tư duy, những bước đi đầu tiên đều khó khăn.
Công cuộc đổi mới bắt đầu giữa thập kỷ 80 trước kia, bắt đầu bằng đổi mới về tư duy kinh tế lập tức dẫn đến sự chuyển biến nhanh trong toàn xã hội vì sự đổi mới đó bắt nguồn từ yêu cầu bức bách của cuộc sống có sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp trong xã hội.
Lần này, Nghị quyết được ban hành trong hoàn cảnh cơ chế thị trường tạo nên sự khác biệt về quyền lợi giữa các nhóm dân cư trong xã hội (giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa nông dân và người kinh doanh, và giữa cư dân nông thôn và thị dân,…). Vì thế, đang có xuất hiện thái độ trông chờ quyết sách và chính sách từ trên đưa xuống.
Phải nhanh chóng tạo nhiều việc làm cho cư dân nông thôn để khỏi phải bị động cứu trợ đói nghèo sau này. Đối với một số lớn dân số đang sống ở sát trên ngưỡng đói nghèo hiện nay, nhà nước cần tổ chức giám sát để khi cần có thể trợ cấp kịp thời, không để họ rơi vào khó khăn, thiếu đói.
Bên cạnh đó, phải xử lý dứt điểm các điểm nóng tiềm tàng (đặc biệt là các nơi có tranh chấp, khiếu kiện về đất đai), đảm bảo ổn định chính trị trong mọi tình huống.
Một số mục tiêu nghị quyết tam nông:
Đến năm 2020:
Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5-4%/năm. Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện tại.
Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt hơn 50%.
Đến năm 2010: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Tại các huyện còn trên 50% hộ nghèo, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn.