00:00 Số lượt truy cập: 3044827

“Hai lúa” làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

16 năm thực hiện Chương trình Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của TPHCM là cả một chặng đường dài với biết bao nỗ lực của chính quyền, của các đoàn thể, và của cả bản thân người nghèo. Có rất nhiều mô hình hay, cách làm sinh động nhưng trong khuôn khổ bài báo này, SGGP xin giới thiệu vài chân dung “Hai lúa” một thời nghèo khó đã vươn lên làm giàu.


1- Ai đã một lần đến vườn lan của anh Trần Văn Xê (ấp 3 xã Xuân Thới Sơn huyện Hóc Môn) đều không khỏi ngạc nhiên trước sự “hoành tráng” của vườn lan Mokara này. Năm 2002, được vay vốn từ Quỹ XĐGN, anh Xê trồng thử nghiệm 500 gốc địa lan nhưng thất bại. Viễn cảnh thoát nghèo không đến mà món nợ thì cứ nhân lên làm gia đình anh Xê lâm vào ngõ cụt. Thấy vậy, UBND xã cử cán bộ XĐGN xuống tìm hiểu nguyên nhân rồi đưa anh vào lớp tập huấn trồng lan do Hội Nông dân tổ chức. Không những thế, Hội Nông dân còn linh động giải quyết cho Xê ít vốn, phân bón để anh thử nghiệm với giống lan Mokara. Chỉ sau vụ lan 2003 với 4.000 gốc, không những trả hết nợ, anh Xê còn giúp giống, kinh nghiệm cho nhiều “Hai lúa” nghèo khác trong xã.

Bà Cao Thị Thu với đàn bò của mình. Ảnh: QUÝ LÂM

Sau khi đã vững, đã thoát nghèo, “Hai lúa” Trần Văn Xê mạnh dạn vay vốn từ chương trình Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của TPHCM để mua… đất. Từ chỗ tay trắng, hiện vườn lan nổi tiếng của anh Xê có diện tích trên 2.500m2 với 20.000 gốc lan đang thu hoạch. Bấm đốt ngón tay một lúc, “Hai lúa” này nói: “Cơ ngơi của tui bây giờ đã đầu tư gần 1 tỷ đồng, mỗi tháng thu lãi 20 triệu đồng. Tui đang làm đề án xây dựng “phòng cấy mô” trình UBND TPHCM xem xét cho vay 400 triệu đồng để cạnh tranh với… Thái Lan!”.

2- “Hai lúa” Trần Thị Ba (KP1 phường Tân Kiểng quận 7) thì “thành danh” nhờ nuôi heo mát tay. Chị Ba kể: “Trước đây tui khổ quá, chăn nuôi mấy con heo, con gà lẻ tẻ mà không đủ ăn. Mấy đứa con suýt nghỉ học khi hết tiền nhưng may mà có Hội LHPN phường can thiệp cho miễn học phí nên tui mới nhẹ gánh lo, sau đó Hội còn cho mượn tiền nữa chú ơi, mượn lần đầu 1 triệu đồng”.

Có “tiền nghĩa tình” trong tay, chị Ba mua 1 cặp heo giống về nuôi. Tận dụng rau muống hái ở các bờ ruộng và thức ăn thừa xin của quán cơm gần nhà, chị Ba vỗ béo cặp heo nhanh như thổi! Cứ bán heo (tròn tạ) rồi lại mua heo (con) về vỗ béo, chị Ba không những hết nợ mà còn nhân đàn heo có lúc lên đến 50 con. Bất kỳ có lớp tập huấn nào về chăn nuôi, chị Ba và chồng đều đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, do chấp hành tốt các quy định của ngành thú y nên “heo của chị” rất khỏe mạnh, chóng lớn. Giờ thì nữ “Hai lúa” này cho biết: “Làm ăn khá giả, tui nghe chánh quyền vận động giữ vệ sinh môi trường nên… mua đất mở trại heo công nghiệp ở Bình Chánh”.

3- Với “Hai lúa” Trương Văn Phượng (ấp 4, Hưng Long, Bình Chánh) thì hoa sứ mới là “niềm mơ ước”. Trồng lúa quần quật suốt nửa đời người mà cũng không khá, trong một lần về Đồng Tháp, anh Phượng “kết duyên” cùng hoa sứ. Không có tiền để đóng học phí, Phượng xin làm công rồi vừa làm, vừa học lóm nghề này. Thấy anh siêng năng, lại thông minh, ông chủ vườn hoa sau khi trao hết kinh nghiệm cho Phượng còn… trao luôn cô con gái cho “Hai lúa” này.

Trở về Bình Chánh, vợ chồng Phượng bắt đầu nghề trồng hoa sứ và gặp không ít thất bại. Không nản chí, Phượng mày mò tự học và tham quan, học hỏi khắp nơi. Mặc dù kỹ thuật trồng hoa sứ không phức tạp, nhưng do chất đất, nguồn nước ở Bình Chánh khác xa với Đồng Tháp nên Phượng “vật vã” suốt 2 năm trời! Anh cho rằng: “Sứ là loại cây không chịu hạn, cũng không chịu ngập úng nên nguồn nước có đủ thì bộ rễ mới phát triển nhanh và tốt. Nếu thiếu nước, cây không phát triển. Dư nước, cây úng mà chết”. Ngoài học cách chăm sóc, Phượng còn tranh thủ học thêm kỹ thuật ghép cành và xử lý hoa ra theo ý muốn. Hiện nay với hơn 2.000m2 đất, anh Phượng trồng 5.000 gốc sứ các loại, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Gặp ai, “Hai lúa” này cũng khoe: “Tui thoát nghèo là nhờ hoa sứ nhà nàng đó nghen”.

4- Tại xã An Nhơn Tây (Củ Chi), “Hai lúa” Cao Thị Thu được nhiều người biết đến qua tài chăn nuôi. Món tiền đầu tiên vay được, bà Thu mua về 1 con heo cỏ và đi cắt cỏ cho heo ăn hàng ngày. Sợ heo thiếu dinh dưỡng, bà Thu trồng thêm khoai mì, khoai lang để lấy củ vừa nuôi heo, vừa cho người… chống đói! Mười năm trôi qua, trại heo của bà Thu đã có “quân số” tròn 100. Bà tự hào: “Xưa tui là du kích chống giặc ngoại xâm, nay tui là “Hai lúa” chống giặc nghèo, giặc đói”.

Thoát nghèo và thoát luôn tình trạng ăn khoai, bà Cao Thị Thu mua thêm bò sữa về nuôi. Tuy đã khá giả nhưng với số vốn ít ỏi dành dụm 10 năm, bà Thu cũng chỉ mua được 3 bò sữa. Không e ngại và nản chí, bà xin xã, xin huyện được vay ưu đãi để xây chuồng, trồng cỏ. Ngoài tiền bán sữa bò và bê con, hiện bà Thu lãi ròng từ 10 con bò sữa to đùng. Thời điểm khó khăn của đàn bò sữa Việt Nam, bà Thu chuyển sang nuôi nhím bằng cách bỏ công thu mua rau củ thừa tại chợ đầu mối. Và bà lại “nổi tiếng” với tài nuôi và bán nhím giống.