00:00 Số lượt truy cập: 3043648

Hai lúa nuôi thú hoang dã trên cồn 

Được đăng : 03/11/2016

Cho đến thời điểm này, anh Trương Bá Linh (Hai Linh) ở ấp Thông Lưu, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là người duy nhất trong tỉnh đầu tư trang trại nuôi động vật hoang dã.


Cồn Hòa Minh nằm biệt lập với đất liền, cách con sông Tiền rộng mênh mông. Muốn đến được Hòa Minh phải đi đò ngang khoảng 20 phút. Trước lúc tìm gặp ông chủ trang trại nuôi động vật hoang dã, trong đầu tôi nghĩ chắc đây là một “đại gia” ở cồn Hòa Minh. Bởi những loại động vật hoang dã mà anh nuôi như: heo rừng, chồn hương, nhím... đều thuộc loại đắt tiền, chắc chỉ những người giàu có, đất rộng bao la mới mở trang trại được. Nhờ hướng dẫn của những người dân trên cồn, sau hơn nửa tiếng đồng hồ chạy xe lòng vòng trên các con đường lót đan uốn lượn, tôi đến được trang trại nuôi động vật hoang dã của anh Hai Linh. Trang trại không “hoành tráng” như tôi nghĩ mà diện tích chỉ khoảng 3.000 m2 đất được phân từng khu nuôi từng loại động vật khác nhau. Rộng nhất là khu nuôi heo rừng khoảng 2.000 m2 đất, còn 2 khu nuôi chồn khoảng 200m2 được xây bê tông từng ô kiên cố, mỗi ô bề ngang 0,7m, dài 2m, có nắp đậy bằng khung lưới B40. Đối diện khu nuôi chồn là khu nuôi nhím, mỗi chuồng được xây kiên cố khoảng 2,5 m2. Hai Linh- chủ trang trại là một nông dân “chính cống”, cuộc sống gia đình anh có dư chút đỉnh nhờ vào 3 ha đất nuôi tôm quảng canh nhưng năm trúng năm thất và trồng lúa 1 vụ chỉ đạt 15 giạ/công.

Chuyện Hai Linh đầu tư nuôi động vật hoang dã cũng giống với cách làm của những người nông dân ít tiền. Anh có con rể thứ ba tên Thanh, ở TP Hồ Chí Minh, sống bằng nghề mua bán đồ trang trí nội thất. Là người thường đi đây đó, nên Thanh biết được nhiều mô hình nuôi động vật hoang dã cho hiệu quả kinh tế cao, nên bàn bạc cùng cha vợ đầu tư nuôi những con vật này. Hai Linh được con rể đưa đi tham quan một số trang trại ở Bình Dương, Đồng Nai... để học hỏi cách xây dựng chuồng trại và kỹ thuật nuôi. Anh Hai Linh kể: “Thấy người ta nuôi động vật hoang dã không khó, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với mô hình sản xuất hiện tại của mình trên cồn, tôi rất mê. Nhưng ngặt nỗi số tiền đầu tư làm trang trại phải tốn hằng trăm triệu bạc trong khi túi tiền trong nhà năm nào dư cao lắm chỉ vài chục triệu đồng thì làm sao nuôi?”. Hiểu lòng cha vợ, con rể mở lời xin hỗ trợ khi cần thiết, anh mới dám “gật đầu” và bàn bạc với vợ - chị Phạm Thị Hồng - bắt tay xây dựng trang trại nuôi động vật hoang dã.

Chị Phạm Thị Hồng (vợ anh Trương Bá Linh) đang cho heo rừng ăn.

Trang trại xây dựng xong, anh lại lặn lội tìm mua con giống từ các trang trại ở tận Lâm Đồng, Đồng Nai. Tổng cộng anh mua được 9 con heo rừng giống (6 heo cái, 3 heo đực) và đến Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh xin đăng ký mở trang trại nuôi heo rừng. Sau khi hoàn tất các thủ tục và được Chi cục Kiểm lâm cấp phép mở trang trại nuôi động vật hoang dã, Hai Linh tiếp tục đi Bình Dương và nhờ người quen ở miền Bắc mua chồn hương về nuôi. Anh đã mua 25 con chồn hương trọng lượng từ 800gr đến 1 kg, giá bình quân 1 triệu đồng/con. Mỗi chuyến đi anh lại đưa về trang trại vài con nhím trong sự lạ lẫm của người dân xứ cồn.

Bằng giọng hồ hởi, Hai Linh nói như khoe: “Hầu như cồn này giờ ai cũng biết tôi nuôi động vật hoang dã. Lúc tôi mới đem về bà con nghe được đến xem rất đông vì muốn tận mắt thấy những con vật sống ở rừng. Lúc đầu tôi cũng ngại vì sợ mình nuôi không thành công người ta cười, nhưng giờ thì chắc ăn! Tất cả chi phí đầu tư trang trại, con giống khoảng 300 triệu đồng, nhưng giờ với đàn heo rừng, chồn hương, nhím đang phát triển, tôi đã cầm chắc 700 triệu đồng trong tay. Tôi đang lên kế hoạch trồng thêm cây, rau để mở rộng qui mô nuôi heo và chồn hương, vì hai loài này nuôi ở đây rất thuận lợi”.

Theo kinh nghiệm của Hai Linh, đặc điểm của heo rừng chính gốc chỉ có 10 vú, chân nhỏ, đuôi nhỏ, mỏ dày, lông thường chuyển màu hơi vàng vào mùa nắng, chuyển sang màu đen vào mùa mưa. Heo nuôi được thả lan trên đất gò cao, thức ăn của heo chủ yếu từ thiên nhiên gồm: rau, cỏ, chuối cây, lúa, cám... Heo rừng nuôi từ khi dứt sữa mẹ khoảng 1 năm sau sẽ bước vào thời kỳ sinh sản, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 8 heo con. Heo rừng tự làm ổ sinh sản mà không cần sự can thiệp của người nuôi. Lúc heo mới đẻ, chủ nuôi heo không thể tiếp cận vì heo mẹ rất ham con, có thể cắn người nếu đến gần, vì vậy cả tuần sau mới có thể biết được heo mẹ đẻ mấy heo con. Còn chồn hương chủ yếu ăn trái cây ngọt, cháo trộn đường hoặc nấu cháo cá. Đặc điểm của chồn hương là sống đơn lẻ từng con, nếu nuôi chung sẽ cắn nhau. Khi chồn cái lên giống sẽ kêu và tỏa hương thơm, lúc này cần bắt chồn đực thả chung với chồn cái cho chúng giao phối. Khi chồn cái có chửa, 2 con cắn nhau thì bắt ra. Chồn hương nuôi tại trang trại của anh Hai Linh 1 năm sinh sản 1 lứa, mỗi lứa từ 1-4 con. Riêng nhím sau một thời gian nuôi, Hai Linh đã chiết bán chỉ chừa lại 1 cặp để khi có điều kiện sẽ nhân giống nuôi lại. Hai Linh cho biết: “Tôi bán hết 30 con nhím được giá 145 triệu đồng. Tôi bán bầy nhím vì thức ăn cho nhím toàn là đồ rẫy, trong khi trang trại nằm cách xa chợ đồ rẫy hàng chục km, muốn mua phải chờ đò ngang rất bất tiện. Còn nếu mua đồ rẫy tại chợ trên cồn thì giá cao, không có lãi...”.

Số heo rừng giống ban đầu Hai Linh mang về trại đến nay đã sinh sản ra 31 heo con. Anh đã làm thủ tục tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh đăng ký bán tất cả số heo con này cho người mua về làm giống. Bình quân mỗi cặp heo anh bán được giá 3 triệu đồng. Anh cũng đã xuất bán được 11 con chồn hương với giá bình quân mỗi cặp 7-8 triệu đồng, mỗi con trọng lượng khoảng 2 kg. Theo anh, giá heo rừng hơi lúc ở mức thấp cũng đạt mức 100.000 đồng/kg, tính ra mỗi con heo giống mua về nuôi bán thịt người nuôi cũng có lời 3-4 triệu đồng. Còn với giá 700.000 đồng/kg chồn hương hơi mà một quán ăn ở TP Cần Thơ đặt hàng với anh, ước tính mỗi con chồn hương trọng lượng khoảng 4 kg người nuôi bán được gần 3 triệu đồng, trong khi chi phí thức ăn cho mỗi con chồn từ lúc nuôi đến khi xuất bán chưa tới 1 triệu đồng...