Từ chỗ là vùng quê nghèo khó, đất nhiễm phèn nặng, nhưng nhờ sự trợ giúp kịp thời, hàng trăm thanh niên ở vùng quê Bình Minh (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) không chỉ vươn lên khá - giàu với mô hình trồng dưa hoàng kim xen lúa, mà còn gợi mở cho các nhà quản lý ý tưởng về mô hình chuyển đổi cây trồng theo hướng “bắt” đất gia tăng thu nhập, nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố bền vững...
Khởi đầu nan
Năm 2007, chính quyền xã Bình Minh đã chọn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp làm khâu đột phá. Theo đó, xã tiến hành thành lập tổ hợp tác (THT) trồng màu gồm 10 thành viên; trong đó có 5 thành viên người dân tộc Khmer. Tuy nhiên, ngay sau khi ra đời, nhiều người lo ngại hoạt động của THT khó thành công do: Trước đây đã có nhiều THT với nhiều mô hình (1 vụ tôm - 1 vụ lúa; 2 vụ lúa - 1 vụ màu...) đã tan rã sau thời gian... ồn ào ra đời do hiệu quả nuôi trồng không cao hoặc gặp khó trong khâu tiêu thụ...
Trước bài học thực tế nóng bỏng đó, lãnh đạo xã Bình Minh đã phân tích và nhận định: Nguyên nhân thất bại là do thiếu khoa học kỹ thuật ứng dụng vào nuôi trồng, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ... Vì vậy, khi khởi động bộ máy THT lần này, xã đã đề xuất hệ thống Đoàn thanh niên và ngành NNPTNT xét hỗ trợ vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, THT được xét vay 80 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của TƯ Đoàn. Nguồn vốn này là sự hỗ trợ kịp thời để các thành viên trong tổ mạnh dạn cùng nhau bàn bạc đi đến thống nhất mô hình trồng dưa hoàng kim xen canh lúa.
Sau khi được Phòng NNPTNT tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, THT quyết định trồng “thử lửa” 5ha. Nhờ trồng đúng kỹ thuật nên năng suất dưa hoàng kim đạt khá cao. Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều nông dân mê nhất vẫn là: Sau vụ dưa, cây lúa tốt hơn, ít sâu bệnh hơn nên ngay sau đó mô hình nhanh chóng tăng lên hàng chục ha. Đến năm 2009-2010, nhiều nông dân đã từng nghi ngại hiệu quả mô hình THT trước đây đã tự nguyện gia nhập...
Chuyển dưa hoàng kim đi tiêu thụ. Ảnh: T.B |
Đột phá đầu ra
Ấy nhưng, đến đây thì nảy sinh bất cập mới: “Đầu ra” của sản phẩm gặp khó khăn do không thể tiêu thụ hết sản lượng lớn tại chỗ. Thấy vậy, anh Phạm Chí Công (tổ trưởng) và Nguyễn Văn Dễ (tổ phó) xung phong mua sản phẩm của các thành viên rồi thuê xe chở đi tiêu thụ ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang), TP.Long Xuyên (An Giang). Việc “bán chạy” này đã vấp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu thị trường... Tuy nhiên, với quyết tâm không để sản phẩm của các thành viên THT bị thiệt, 2 anh đã nghĩ đến nhiều phương án tiêu thụ.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp thị chất lượng dưa hoàng kim Bình Minh được trồng đúng quy trình kỹ thuật, anh Công và anh Dễ còn mạnh dạn thực hiện phương án bán “gối đầu” cho vựa tại các chợ trung tâm. Nhờ vậy dần dần “thương hiệu” dưa hoàng kim của tổ hợp tác trồng màu Bình Minh ngày càng quen dần với khách hàng. Nhờ vậy, người trồng dưa rộng đường tiêu thụ với giá cao, mà 2 anh Công, Dễ lại có thêm thu nhập mỗi vụ 50-70 triệu đồng tiền lãi.
Thành công này đã tạo cho 2 anh niềm tin để mạnh dạn đưa sản phẩm của THT lên TPHCM tiêu thụ. Hiện nay diện tích dưa hoàng kim đã vượt qua khỏi phạm vi THT, lan rộng ra cả xã rồi cả huyện Vĩnh Thuận. Điều này không chỉ giúp các thành viên trong THT thoát nghèo, nhiều nông dân tăng thêm thu nhập, cải tạo đồng đất..., mà còn góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương thông qua các dịch vụ từ nghề trồng, tiêu thụ dưa hoàng kim.