Nhờ có cách thức chăn nuôi khoa học, xây hầm biogas để tạo năng lượng và bảo vệ môi trường, rất nhiều hộ nông dân có trang trại nuôi heo, bò tại TPHCM đã “miễn nhiễm” với dịch bệnh đồng thời thu được lợi nhuận cao một cách bền vững…
Hầm biogas được người chăn nuôi Củ Chi, TPHCM xây dựng ngày càng nhiều Ông Huỳnh Công Bằng ngụ ấp Trung Lân (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) hiện nuôi trên 400 con heo trên diện tích 700 m2 được biết đến như những hộ chăn nuôi tiên phong cho mô hình "chăn nuôi xanh” đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngay từ khi xây dựng trang trại, ông Bằng đã bắt tay thiết kế chuồng trại hoàn toàn khép kín, khoa học như: bố trí quạt làm mát, xung quanh chuồng có rèm che, phía trước trại thiết kế một dàn máy làm lạnh kiểu tổ ong để làm mát chuồng, phía sau gắn 4 quạt máy cỡ lớn liên tục quay để thông gió; đặc biệt ông cho xây dựng hầm biogas (gồm 3 hầm) để xử lý chất thải và tận dụng khí đốt dùng cho sinh hoạt, chạy máy phát điện với công suất 10kW/h. Từ khi có máy phát điện chạy bằng khí gas từ hầm biogas, các thiết bị dùng điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của gia đình như bơm nước, đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm, làm mát cho heo và các tiện nghi khác đều hoạt động hết công suất mà điện vẫn ổn định, góp phần giảm bớt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại TPHCM. Ông Bằng nói: “Việc sử dụng khí gas từ hầm biogas đã giúp gia đình tiết kiệm từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, một khoản tiền không nhỏ. Cũng nhờ cách làm này mà đàn heo 400 con luôn khỏe mạnh, sạch bệnh, tạo nguồn hàng ổn định và thu lãi đều đặn. Mỗi năm gia đình tôi lãi ròng 300 – 400 triệu đồng”. Tương tự, trại chăn nuôi của bà Huỳnh Thị Một (ấp Chánh 2, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) cũng là một địa chỉ "chăn nuôi xanh” sử dụng hầm biogas. Bà Một cho biết, chính cách làm hiệu quả và bền vững này mà từ 2 con heo nái ban đầu, đến nay gia đình bà đã gây dựng nên cơ nghiệp lớn gồm 250 heo thịt, 36 heo nái. Hàng tháng xuất chuồng 2 – 3 lứa heo thịt 50 – 60 con, mỗi năm thu lãi ròng trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn nuôi thêm 35 con bò sữa, trong đó 12 con đang khai thác sữa cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, chưa kể lợi nhuận từ việc vỗ béo bê đực lai lấy thịt. Còn bà Nguyễn Thị Giàu (ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thành đạt cấp huyện và xã khi có trong tay 2 trại chăn nuôi xanh, với tổng đàn hơn 200 con heo nái và thịt. Bà Giàu cho biết, do ý thức được tầm quan trọng của môi trường, ngay từ đầu trang trại của bà đã quan tâm đến việc xử lý nguồn chất thải chăn nuôi bằng cách xây dựng hầm biogas để tận dụng khí đốt, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và cộng đồng. Chính vì môi trường chăn nuôi sạch sẽ, kiểm soát tốt dịch bệnh nên đàn heo cứ lớn phây phây, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt như: heo nái sinh sản bình quân 2,2 lứa/nái/năm; 9 – 10 con/lứa; heo con cai sữa 8 – 10 kg/con; heo thịt sau 4,5 tháng nuôi đạt 90 – 100 kg/con; tỷ lệ thịt xẻ đạt 77%. Hiện trung bình mỗi tháng bà Giàu xuất chuồng 70 – 80 con heo, mỗi năm xuất gần 1.000 con, thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng. LỰA CHỌN HẦM BIOGAS NÀO? Theo PGS.TS Dương Nguyên Khang – Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thực tế đã khẳng định hầm biogas đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các trại chăn nuôi. Nồng độ chất thải sau xử lý thấp, hiệu quả xử lý nồng độ chất thải lên đến 90%, khí biogas sinh ra trong quá trình lên men được thu hồi và tái sử dụng làm năng lượng chạy máy phát điện và bảo vệ được môi trường. Trước rất nhiều công nghệ hầm biogas, câu hỏi đặt ra là người chăn nuôi nên chọn loại hầm nào để tạo được giá trị kinh tế nhất, đồng thời bảo vệ tốt môi trường? Theo lời khuyên của PGS.TS Dương Nguyên Khang, tùy vào quy mô nông hộ, trang trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất để lựa chọn công nghệ phù hợp nhất cho mình. Cụ thể, với quy mô chăn nuôi trung bình và lớn nên sử dụng công nghệ phủ nhựa HDPE; còn chăn nuôi nhỏ nhưng lâu dài có thể sử dụng hầm ủ KT1 Trung Quốc. PGS.TS Khang còn cho rằng, công nghệ phủ nhựa HDPE đang có nhiều ưu điểm nhất vì có lượng khí gas rất lớn để chạy máy phát điện; đồng thời việc xử lý chất thải sẽ triệt để hơn vì có thể tích lớn. Loại thứ 3 phổ biến hơn là túi biogas bằng nylon polyethylene (PE) với chi phí xây dựng chỉ bằng khoảng 1/4 - 1/5 giá hầm xây (khoảng 2 triệu đồng/túi) nên rất hấp dẫn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, loại túi này có kỹ thuật lắp đặt dễ dàng, chi phí thấp, vận hành đơn giản, sửa chữa dễ dàng, không cần tay nghề cao. Nhược điểm cần chú ý là túi biogas cần tránh ánh nắng và tác động cơ học làm rách. Loại thứ 4 cũng khá phổ biến tại VN là hầm biogas composite, được xây dựng bằng sợi nhựa cao cấp, qua các công nghệ thủ công hoặc các khuôn đúc bằng máy nén hơi nóng kỹ thuật cao từ Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu kỹ thuật, thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả sinh gas cao, dễ lắp đặt vận hành. Loại thứ 5 là hầm biogas phủ bạt nhựa HDPE, chủ yếu sử dụng trong các trại chăn nuôi lớn, tập trung. Loại nhựa này có tuổi thọ và độ bền cao (10 – 15 năm), tuy đầu tư tốn kém nhưng giá thành tính trên đơn vị thể tích hố gas lại rất rẻ, vận hành đơn giản, bảo trì dễ, cung cấp lượng gas lớn cho vận hành máy phát điện. |