00:00 Số lượt truy cập: 3083356

Hàng kém chất lượng: Nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Từ lâu, nông dân đã trở thành nạn nhân của tình trạng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y kém chất lượng. Các vụ vi phạm ngày một nhiều nhưng ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Nông dân phản ánh với PV. trong phân có cát gây chết cây trồng.

Hãi hùng hàng kém chất lượng

Một thực tế khiến nhiều người không khỏi “hãi hùng” là kiểm tra đến đâu là vi phạm đến đó. Trong tháng 6/2009, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu đã tiến hành kiểm tra 14 loại thuốc thú y thuỷ sản thì có đến 13 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong 2 mẫu phân bón được đem đi phân tích thì cả 2 đều không đạt chất lượng... Từ đó cho thấy, những công ty sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi đã lừa dối người tiêu dùng, không thực hiện đúng các tiêu chuẩn như đăng ký. Đơn cử phân Carbona tecalci Rồng Vàng, theo tiêu chuẩn công bố hàm lượng P205 chiếm 40%, nhưng khi phân tích chỉ chiếm 0,18%. Hay phân bón Việt Mỹ AVF tiêu chuẩn đăng ký hữu cơ chiếm 15,8%, nhưng kết quả phân tích chỉ là 7,8%. Người gánh chịu hậu quả nặng nề này, không ai khác chính là nông dân.

Nông dân "ngậm đắng, nuốt cay"

Không phải nông dân không phát hiện được phân bón, thức ăn, thuốc thú y giả và kém chất lượng, nhưng lại bị “há miệng mắc quai”. Như trường hợp của ông T.Q ở xã Vĩnh Trạch Đông (TX.Bạc Liêu), ông bị đại lý kinh doanh thức ăn tôm cung cấp thức ăn kém chất lượng, làm cho tôm chết hàng loạt, ước tính thua lỗ gần 140 triệu đồng. Thế nhưng, ông chỉ biết kêu trời vì “thưa ra chính quyền, đại lý không cho mua chịu nữa”. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều nông dân hiện nay. Nhắm vào điểm yếu này, một số đại lý cung cấp thức ăn thay nhau “làm mưa, làm gió” và biến “con nợ” của mình thành nơi tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo thống kê, mỗi năm chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu cần trên 59.600 tấn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn theo tính toán của người nuôi tôm, mức đầu tư cho tiền thức ăn, thuốc thú y ở mô hình nuôi thưa khoảng 150 triệu đồng/ha và 300 triệu đồng cho mô hình nuôi dày. Tuy nhiên, việc xử lý nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đủ “gãi ngứa”. Cụ thể, mức xử phạt hàng giả chỉ từ 10-15 triệu đồng, hàng không đảm bảo chất lượng 8-12 triệu đồng. Do đó, nhiều đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc thú y chấp nhận nộp phạt.

Ngoài những quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe, cũng phải kể đến những bất cập trong việc kiểm tra xử lý, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra. Lực lượng thanh tra của ngành nông nghiệp Bạc Liêu chỉ có 10 người, nhưng phải đảm nhiệm hàng loạt công việc: kiểm tra phương tiện đánh bắt khai thác thuỷ sản, chất lượng con giống, tôm nguyên liệu, phân bón, thức ăn, thuốc thú y. Bất cập này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận chưa kịp thời. Võ Hồng Ngoãn (TX.Bạc Liêu) cho rằng: “Việc các công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng không thể dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính, mà phải truy tố trước pháp luật”.

Các ngành chức năng nên xem xét, sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích cho nông dân.