00:00 Số lượt truy cập: 3084480

Hạt gạo và những lời hứa 

Được đăng : 03/11/2016
“Không chỉ phát biểu ở hội trường, mà tôi đã gửi câu hỏi chất vấn liên quan đến việc điều hành xuất khẩu gạo rồi”. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, ông Danh Út chia sẻ với VnEconomy, khi tuần làm việc thứ tư của Quốc hội, với hơn hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu.

Như thường lệ, trước khi đăng đàn với những “lời hứa” mới, các vị “tư lệnh” lĩnh vực đã trả lời chất vấn tại kỳ họp trước sẽ gửi đến Quốc hội kết quả thực hiện những điều đã “hứa” trước đó.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cũng là một đại biểu Quốc hội -  là một trong những người gửi báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn đến Quốc hội sớm hơn cả.

Tại văn bản dài 14 trang này, những “lời hứa” của kỳ họp trước đều được bộ trưởng nhắc lại nguyên văn trước khi trình bày những việc đã làm để thực hiện lời hứa đó.

Nội dung đầu tiên được Bộ trưởng Cao Đức Phát “kiểm điểm” là “tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, chủ trương ngừng xuất khẩu gạo”.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ tư vào cuối năm 2008, những bức xúc từ hạt gạo đã làm nóng bỏng không khí của nhiều phiên họp. Gay gắt nhất trong gần 300 câu hỏi chất vấn là “thân phận” nổi chìm của hạt gạo, từ sản xuất đến tiêu thụ. Hơn 1/3 trong tổng số 42 chất vấn trực tiếp Thủ tướng liên quan đến điều hành xuất khẩu  gạo. “Truy” đến cùng tại một số phiên chất vấn vẫn liên quan đến câu hỏi: “Sẽ trả lời cử tri thế nào nếu không rõ trách nhiệm để người trồng lúa phải điêu đứng?”.

Rồi, Bộ trưởng Cao Đức Phát “xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội và xin  chịu mọi hình thức kỷ luật”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “xin nhận một phần trách nhiệm”. Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian nói về các giải pháp đảm bảo đời sống cho người trồng lúa.

Nhiều vị  đại diện của dân tâm tư,  để bớt khổ cho người làm ra hạt lúa  thì cần giải quyết căn cơ hai vấn đề: dự báo sản lượng và điều hành xuất khẩu.

“Về công tác dự báo sai sản lượng, bộ đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và triển khai tổ chức lại bộ máy, cơ quan trực thuộc. Bộ đã thành lập bộ phận giám sát mùa màng tại Trung tâm Tin học và Thống kê, có sự tham gia chặt chẽ của các cục, vụ chuyên ngành”, báo cáo “kiểm điểm lời hứa” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, công tác dự báo cũng chưa thể đạt được kết quả tối ưu, vì thời gian ngắn, có nhiều vấn đề phát sinh đột xuất, và dự báo giám sát là cả một quá trình tích lũy. Bộ phận này đang được tăng cường năng lực để thực hiện nhiệm vụ dự báo sản lượng một số sản phẩm chính từng tháng, quý, 6 tháng và cả năm.

Dự báo như vậy, còn điều hành thế nào? Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp đang diễn ra, đại biểu Danh Út đã “kết tội” Hiệp hội lương thực Việt Nam “khiến doanh nghiệp và nông dân lỡ mất cơ hội thu bạc tỷ từ xuất khẩu gạo” do cách điều hành được giá thì cấm, mất giá thì buông.

Theo ông thì trách nhiệm điều hành xuất khẩu lúa gạo thuộc về hai bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn để hiệp hội làm như hiện nay là sai luật.

Ông cũng băn khoăn không biết Bộ trưởng Hoàng đã thực hiện lời hứa kỳ trước thế nào, vì “đến hôm nay (5/6) vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả thực hiện của Bộ trưởng”.

Để có một con đường bớt lênh đênh cho hạt gạo, cử tri đòi hỏi đại biểu, đại biểu chất vấn các bộ, các bộ lại “hứa”.  Nhưng trong khi đại biểu Danh Út đang “than” giữa nghị trường về thiệt hại trong điều hành xuất khẩu gạo, thì tại hội nghị trực tuyến về vấn đề này diễn ra ngày 4/6, các bên liên quan cũng chưa thống nhất cao về cách thức.

Địa phương kiến nghị nên giao chỉ tiêu xuất khẩu cho các tỉnh, đưa lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh vào tổ điều hành. Ý kiến khác đề nghị Bộ Công thương nên đảm nhận việc điều hành xuất khẩu gạo. Nhưng lãnh đạo bộ này cho rằng, vẫn nên giao cho hiệp hội vì “cơ quan Nhà nước không có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp”.

Càng thêm thông cảm với sự sốt ruột của Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang, ông Văn Hà Phong, khi ông lo ngại nếu để xảy ra tình trạng như năm ngoái “sẽ rất khó khăn, rối ren, dân sẽ mất lòng tin với Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo".

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, điều hành là việc của liên bộ. Chính phủ và Thủ tướng còn phải lo vấn đề lớn hơn, cải thiện đời sống người trồng lúa nhưng cũng cần đảm bảo an ninh lương thực. Trả lời chất vấn tại kỳ họp trước, Thủ tướng cũng nói: “Chính phủ đang xây dựng đề án bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cố gắng làm sớm trong 2009 để làm căn cơ lâu dài: sản xuất vùng nào, xuất khẩu bao nhiêu, thu hoạch, bảo quản ra sao, vừa đảm bảo đời sống người trồng lúa, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.

Thông tin từ báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đề án an ninh lương thực quốc gia đã được Bộ trình Chính phủ, Chính phủ hiện đang chỉnh sửa để trình Bộ Chính trị ra nghị quyết. Trọng  tâm của đề án này là bảo vệ đất lúa và quản lý, khuyến khích sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực.

Và, Quốc hội đang chờ, cử tri cả nước đang hy vọng, những "lời hứa" về hạt gạo sẽ thôi không còn là vấn đề nóng bỏng trên nghị trường, mà chỉ là chuyện cũ.