00:00 Số lượt truy cập: 2994772

Hậu Giang - Mía lại "ngã" đồng… 

Được đăng : 03/11/2016
Thời điểm này năm ngoái, giới thương lái ào ạt kéo về Hậu Giang liên tục nâng giá, giành nhau từng cây mía còn non; bà con trồng mía trúng lớn. Hiện nay thì ngược lại. Hàng ngàn hộ nông dân ngày đêm ăn không ngon ngủ không yên vì giá mía liên tục giảm, khi đồng mía đang vào mùa thu hoạch.


Kêu bán không ai mua…

Hiện nay, thương lái mua mía tại ruộng ở Phụng Hiệp (Hậu Giang); Mỹ Tú (Sóc Trăng)… chỉ còn 260đ - 280đ/kg, giảm từ 110đ - 130đ/kg so đầu vụ. Giá giảm, nông dân kêu bán mía rất khó khăn.

Ông Lê Văn Phúc, ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp - Hậu Giang) thở dài: "Với giá này nông dân lỗ trắng, hồi đầu vụ giá mía từ 380đ - 400đ/kg nhưng không ai bán bởi mía còn non chưa đủ chữ đường. Mặt khác, hàng năm để càng trễ - giá càng cao. Không ngờ, hiện tại vào vụ thu hoạch rộ giá sụt thảm hại, kêu bán hổng ai mua".

Dọc theo các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Hòa An, Phương Bình, Phương Phú… nông dân thấp thỏm lo Âu vì giá mía giảm. Anh Năm Lo, ở xã Hòa An lắc đầu: "Mua mía giống đến 1.000đ/kg, vậy mà bán mía nguyên liệu lúc này chỉ 270đ/kg, không lỗ sao được. Chưa kể, năm nay chi phí đầu tư tăng từ 400đ - 500đ/kg, do phân thuốc, công lao động, giống… đều tăng. Mặt khác, nông dân Phụng Hiệp không làm được vụ lúa đông xuân do neo mía lại để lên chữ đường và chờ giá! Cuối cùng mất cả chì lẫn chài".

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, khu vực này hiện còn trên 2.899 ha mía đến tuổi mà chưa bán được. Ở các khu vực gần kênh Lái Hiếu và kênh Bún Tàu, xuồng ghe lưu thông thuận lợi thì thương lái còn đến mua. Riêng những vùng mía ở trong sâu đi lại khó khăn ít ai tới, mặc dù giá mía xuống thấp. Anh Lê Văn Tự, Phó phòng NN-PTNT Phụng Hiệp cho biết: "Mọi năm các nhà máy đường nơi khác về mua rất nhiều, nhưng năm nay giảm hẳn, dẫn đến lượng mía không tiêu thụ hết. Bên cạnh đó, nhà máy đường Long Mỹ Phát hợp đồng bao tiêu 1.528ha mía, nhưng cuối cùng "hồi" không mua khiến nhiều hộ khó khăn".

Không riêng gì Hậu Giang, các địa phương khác cũng tương tự. Anh Giang Trường Học, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nhì (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) lo lắng: "Xứ cù lao này mỗi năm trông vào vụ mía, giá thấp thế này dân nguy mất. Nặng nhất là những hộ thiếu vốn đầu tư, phải mua phân thuốc "gối đầu" chịu lãi cao, chắc chắn phải lỗ".

Mía đầy đồng, nhà máy quá tải

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) thừa nhận: "Hầu hết các nhà máy đang quá tải, công suất được nâng lên tối đa nhưng không thể tiêu thụ hết mía cho dân. Tại Nhà máy Phụng Hiệp, bình quân chạy từ 2.000 - 2.300 tấn mía/ngày, nay tăng lên hết cỡ là 2.500 tấn/ngày, vẫn không thấm vào đâu".

Còn ở Sóc Trăng, trước mắt thu mua 4.000 ha bao tiêu. Riêng những diện tích trôi nổi đành xử lý sau (!?). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mía rớt giá, ứ đọng không tiêu thụ hết là do diện tích tăng cao. Ngoài ra, do đường cát Thái Lan nhập lậu cạnh tranh, kéo giá đường nội địa từ 9.000đ - 10.000đ/kg sụt còn 7.000đ - 7.500đ/kg.

Vào cuối vụ mía năm ngoái, các nhà máy đẩy giá mía lên kỷ lục 600đ - 700đ/kg, nông dân thắng lớn nên không ngần ngại mở rộng diện tích. Các chuyên gia lo lắng khi ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nông dân ào ạt đốn nhãn, lắp vuông tôm… trồng mía. Tại Bến Tre, Trà Vinh… diện tích mía cũng tăng. Một khi cung vượt quá cầu dẫn đến khủng hoảng thừa nguyên liệu là khó tránh khỏi.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự kiến, niên vụ 2006 - 2007, sản lượng đường cả nước sẽ đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 27% so năm trước. Hiệp hội yêu cầu các nhà máy đường ở ĐBSCL mua mía tại ruộng 10 chữ đường là 400đ/kg và giá bán đường có VAT 7.500đ/kg. Tuy nhiên, vấn đề này khó giữ được, bởi thực tế giá đường và giá mía đều giảm.

Trong khi đó, Tổ chức đường quốc tế (ISO) dự báo, thời gian qua các nước xuất khẩu và nhập khẩu đường đều tăng sản xuất. Nhiều khả năng cung sẽ vượt cầu 5,8 triệu tấn đường. Điều đáng quan tâm là giá đường trong thời gian qua biến động mạnh theo hướng giảm giá. Giá đường thế giới giảm đã tác động đến giá đường trong nước. Hiện tại, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam đã giảm, nhưng nếu giá đường trong nước nhích lên thì đường lậu sẽ ào ạt tràn qua. Đây là khó khăn không nhỏ.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu cần đường làm bánh kẹo, tiêu dùng… khá lớn, tuy nhiên giá đường rất khó tăng lên; thậm chí các nhà máy đối mặt với tình trạng đường tồn kho. Nhiều người lo ngại trước thực trạng trên, liệu năm nay các nhà máy có giải quyết hết lượng mía dư thừa. Hay lại tái diễn tình trạng mía chết khô giữa đồng không người mua và chẳng ai thèm đốn làm củi đốt như 3 năm trước (!?)