00:00 Số lượt truy cập: 2669947

Hậu Giang: 5 giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nghiêm túc 5 giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 35.800 hộ có mô hình sản xuất hiệu quả.


5 giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệpmà tỉnh đề ra: Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sát hợp với thị trường; tập trung cho cây, con chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư công trong nông nghiệp theo hướng tập trung. Hai là, hoàn chỉnh quy trình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chuyển giao nhanh cho nông dân. Ba là, tăng cường đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển dịch vụ nông nghiệp cho người dân nông thôn. Bốn là, củng cố, nâng chất, mở mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Năm là, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Trên cơ sở định hướng cây trồng, vật nuôi chủ lực vốn có, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Cũng như khai thác tốt lợi thế so sánh các vùng sinh thái, phát triển các loại cây con thế mạnh riêng của từng địa phương trong tỉnh. Từ đó đã định hình các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Đó là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng nguyên liệu mía 10.300 ha, vùng nguyên liệu khóm 1.500 ha, vùng cây ăn trái đặc sản 2.500 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500 ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Ước tính trên toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 35.800 hộ có mô hình sản xuất hiệu quả, với doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác đạt gần 87 triệu đồng, tăng 1,93 lần so với năm 2010 và lợi nhuận đạt trên 30%. Còn thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 24 triệu đồng/người/năm, gấp 2,4 lần so với thời điểm 5 năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh đã đạt 400 triệu USD. Đáng kể, có 8 doanh nghiệp đăng ký xây dựng hệ thống dự trữ lúa gạo với quy mô 240.000 tấn./.