00:00 Số lượt truy cập: 2991058

Hiện nay, giá nông sản trên thế giới tăng rất chậm hoặc hầu như không tăng 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, giá nông sản trên thế giới tăng rất chậm hoặc hầu như không tăng, việc các nước phát triển tiếp tục trợ cấp cho các mặt hàng nông sản của họ sẽ làm cho giá sàn lương thực thực phẩm trên thế giới tiếp tục “nằm yên”.


Theo T.S Lê Đăng Doanh, lợi thế của Việt Nam về giá nhân công rẻ đã có một rào chắn, đòi hỏi nước “vượt rào” phải nỗ lực vượt bậc nếu không muốn cam chịu nhiều thua thiệt.

“Đắt hay rẻ” phụ thuộc vào “nhanh hay chậm”

Phóng viên: Phải chăng các đối tác đàm phán đã quá khắt khe với Việt Nam?

T.S Lê Đăng Doanh: Rất khó so sánh “giá tiền” mà mỗi quốc gia đã bỏ ra để “mua vé” bước lên “đoàn tàu” WTO là đắt hay rẻ. Đơn giản vì cái giá phải trả để tham gia WTO, được yêu cầu đối với Việt Nam là như thế, nếu chúng ta càng chần chừ thì cái giá phải trả sẽ càng cao hơn nữa.

Phóng viên: Là một nước nông nghiệp, nhưng trong số những cam kết đa phương, chúng ta đã cam kết bỏ ngay trợ cấp xuất khẩu nông sản sau khi gia nhập WTO...?

T.S Lê Đăng Doanh: Vấn đề thường phải đấu tranh gay gắt nhất trong WTO là vấn đề nông nghiệp và thương mại nông sản. Mới đây, các nước phát triển đã thừa nhận thất bại trong vòng đàm phán Doha vì họ không thống nhất được trong vấn đề cắt giảm trợ cấp nông sản.

Hiện nay, giá nông sản trên thế giới tăng rất chậm hoặc hầu như không tăng, việc các nước phát triển tiếp tục trợ cấp cho các mặt hàng nông sản của họ sẽ làm cho giá sàn lương thực thực phẩm trên thế giới tiếp tục “nằm yên”.

Trong khi đó, giá xăng dầu, phân bón... đang ngày càng tăng làm cho lợi nhuận của người nông dân trong việc xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo, ngày càng ít đi.

Như vậy, dẫu cho năng suất của nhà nông sẽ ngày càng cao, nhưng thu nhập của họ sẽ không tăng, đó là bài toán rất khó khăn mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt, nhất là với cam kết bỏ ngay trợ cấp xuất khẩu hàng nông sản sau khi gia nhập WTO.

Tôi chia sẻ với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp rằng: Hiện mức trợ cấp xuất khẩu của Việt Nam đối với nông sản rất thấp so với các nước khác, song, để đạt được các cam kết về dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác, Việt Nam đã cam kết bỏ trợ cấp xuất khẩu.

Cam kết này sẽ có những tác động nhiều mặt, nhất là về lâu dài. Vấn đề bây giờ là lúc không nên hướng sự thảo luận về chuyện cam kết cao hay thấp, mà nên thảo luận về việc thực thi cam kết như thế nào, nâng cao năng lực cạnh tranh ra sao. Chính phủ cũng cần có ngay một chương trình hành động toàn diện và đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan.

Thuốc đắng dã tật

Theo cam kết đa phương, Việt Nam phải thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa mọi thành phần kinh tế. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của DNNN và DN thương mại nhà nước qua bất kỳ hình thức nào.

Phóng viên: Điều này không chỉ được các doanh nghiệp nước ngoài mà các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng trông chờ. Quan điểm của ông ra sao?

T.S Lê Đăng Doanh: Theo tôi, không phân biệt đối xử giữa mọi thành phần kinh tế là một nguyên tắc lành mạnh, nó tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh. Nhà nước chỉ nên hành động với doanh nghiệp nhà nước bằng tư cách chủ sở hữu, còn tất cả những quyết định có liên quan khác nên được đặt trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng mà pháp luật về kinh tế đã quy định.

Trong mọi trường hợp, một đứa con được nuông chiều thì sẽ khó là một đứa con chịu được sóng gió, cái gì sinh trưởng trong nhà kính thì không chịu được mưa to gió lớn.

Có thể coi đây là một liều thuốc đắng, nhưng nó sẽ từng bước “dã” được các “bệnh tật” của nền kinh tế vốn đã quen vận hành theo kiểu quan liêu bao cấp.

Phóng viên: Không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng có nhiều “bệnh tật”? 

T.S Lê Đăng Doanh: Các doanh nghiệp nói chung, phải đổi mới tư duy một cách cơ bản, chấp nhận kinh doanh văn minh, dựa trên và tuân theo luật pháp, chứ không phải kinh doanh bằng cách chạy đến anh Bảy chị Tám xin miếng đất, xin miễn giảm thuế, thậm chí là tẩy xóa hóa đơn...

Cũng cần từ bỏ kiểu buôn bán “bánh chưng đất”, nhồi bánh đúc vào diều con vịt trước khi đưa ra chợ. Những sự việc đáng tiếc đã xảy ra với tôm đông lạnh xuất khẩu và nhiều mặt hàng khác cần phải sớm thay đổi, nếu không những doanh nghiệp đó không chỉ làm hại bản thân mình, mà còn làm hại danh tiếng của đất nước.

Trong điều kiện một nước đang phát triển như Việt Nam, việc cam kết thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền tác giả, cũng như  tuân thủ các tiêu chuẩn quy định của WTO về kiểm dịch và vệ sinh dịch tễ, liệu có quá “thiệt thòi” cho Việt Nam. Đơn cử như  các quốc gia đang phát triển có rất ít sáng chế trong khi nhu cầu nhập khẩu công nghệ lại rất cao?

Phóng viên: Phải chấp nhận điều đó, như cây xanh chấp nhận mọi nắng gió để vươn lên. Nếu chúng ta cứ đi sao chép mãi thì ai sẽ sáng chế cho chúng ta sao chép?

T.S Lê Đăng Doanh: Khi người ta phải mua cái gì đó đúng với giá trị của nó thì tự nhiên sẽ tự biết căn cơ hơn trong làm ăn, loại trừ được tâm lý xài “của chùa”...  Dĩ nhiên, để thực thi những cam kết nhạy cảm nói trên đòi hỏi phải có thời gian và làm từng bước.

Vào “chợ” thế giới, muốn người ta tôn trọng thương hiệu của mình thì mình cũng phải có hành động tương xứng, nếu không thì kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi... sẽ bị làm giả ở các nước mà chúng ta chẳng kêu ca được gì. Nên nhớ rằng trong một khu rừng thì nắng gió sẽ chia đều cho mọi cây xanh.

Từ bỏ những nếp nghĩ không thích hợp

Phóng viên: Theo ông, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường sẽ ảnh hưởng thế nào đến “tư thế” của Việt Nam trên sân chơi thương mại toàn cầu thời “hậu” WTO?

T.S Lê Đăng Doanh: Theo cam kết đa phương, Việt Nam sẽ chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường trong thời gian 12 năm kể từ khi gia nhập WTO. So với Trung Quốc là 15 năm, thì ở vấn đề này chúng ta có tiến bộ hơn.

Trong 12 năm đó, có nguy cơ là cứ mỗi khi chúng ta xuất khẩu được hàng, thâm nhập được thị trường thế giới, thì để đối phó lại các doanh nghiệp bản địa, nhất là doanh nghiệp EU và Hoa Kỳ, sẽ tìm cách khởi kiện chúng ta với lý do Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường, và họ sẽ áp đặt các hạn ngạch cũng như nhiều biện pháp trừng phạt khác lên hàng hóa Việt Nam.

Đây là điều hết sức không công bằng, “hứa hẹn” nhiều khó khăn cho Việt Nam sau khi vào WTO, chỉ tính riêng kinh phí để thuê luật sư theo đuổi các vụ kiện thương mại đã là rất tốn kém...

Việc cho rằng Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, không chủ yếu là vấn đề thuộc về khoa học kinh tế, bởi vì tiêu chuẩn của vấn đề này không phải được định đoạt bởi một Hội đồng khoa học mà nó sẽ được định đoạt bởi tòa án nước sở tại, lẽ dĩ nhiên tòa án của các nước đó sẽ xử có lợi cho doanh nghiệp nước mình.

Thông thường, cách họ làm là lấy một nước thứ ba để đối chứng, đó sẽ là nước mà khi đối chứng kết quả cuối cùng nhất định sẽ gây thiệt thòi cho Việt Nam.

Ở đây, lợi thế của chúng ta về giá nhân công rẻ đã có một rào chắn, đòi hỏi nước “vượt rào” phải nỗ lực vượt bậc nếu không muốn cam chịu nhiều thua thiệt trong 12 năm là một nền kinh tế phi thị trường.

Phóng viên: Nhưng việc chuyển sang nền kinh tế thị trường theo các tiêu chí của WTO cũng sẽ là một cơ hội để làm cho Việt Nam tương thích hơn với nền thương mại quốc tế?

T.S Lê Đăng Doanh: Đúng vậy! Từ lâu chúng ta đã tuyên bố xây dựng nền kinh tế thị trường, nhưng WTO là một nền kinh tế thị trường được điều tiết bởi những luật lệ công khai minh bạch, bằng những định mức tiêu chuẩn rõ ràng, vì vậy là một tay chơi của sân chơi thương mại toàn cầu thì chúng ta phải từ bỏ một loạt những nếp nghĩ không còn thích hợp, để chấp nhận cạnh tranh, coi cạnh tranh là cơ hội sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém.

Khi những doanh nghiệp yếu kém bị phá sản, sẽ phải bán lại tài sản, đất đai, máy móc và chuyển người lao động cho những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, kết quả là chúng ta sẽ có một nền kinh tế với nhiều hơn các doanh nghiệp “khỏe mạnh”.

Khoa học kinh tế coi sự phá sản là sự “tàn phá sáng tạo”, từ một doanh nghiệp kém hiệu quả, máy móc, nhà xưởng, người lao động sẽ được huy động tốt hơn.

Phóng viên: Đã có nhiều bình luận cho rằng nếu mục đích của Trung Quốc khi gia nhập WTO là dựa vào hệ thống đa phương để phát triển thương mại và chinh phục thị trường thế giới, một mục đích chính đáng theo WTO và cũng là của tất cả mọi nước khác, thì có thể nói Trung Quốc đã thành công mỹ mãn. Việt Nam học được gì từ quốc gia láng giềng này?

T.S Lê Đăng Doanh: Trung Quốc, từ rất sớm trước khi gia nhập WTO, Chính phủ đã công bố tất cả các điều kiện cạnh tranh cho doanh nghiệp biết. Rốt cuộc, 19 ngành nghề trong đó có: Thép, ô tô, nông nghiệp… mà các chuyên gia nước ngoài cho là sẽ sập tiệm sau khi gia nhập WTO giờ lại rất phát triển.

Đó không phải tự nhiên, mà do Trung Quốc đã nhìn thấy vấn đề và tìm cách khắc phục được. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng, Việt Nam lại có cơ cấu kinh tế và các mặt hàng xuất khẩu tương tự như Trung Quốc nhưng năng lực cạnh tranh kém hơn, nên càng phải ý thức về cơ hội và thách thức này.