00:00 Số lượt truy cập: 2660039

Hiệu quả chương trình phối hợp giữa HND với Sở KH & CN Bến Tre 

Được đăng : 03/11/2016

Chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ giữa Hội Nông dân và Sở Khoa hoc và Công nghệ tỉnh Bến Tre năm 2013 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.


Có 3 mục tiêu chính mà chương trình phối hợp giữa hai ngành đề ra đó là: Tuyên truyền, vận động nông dân trong tỉnh nhà tích cực nhận chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; việc nhận chuyển giao và tổ chức ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng; Tạo môi trường để hình thành lớp nông dân mới, có kiến thức, tay nghề và năng lực quản lý, thích ứng với kinh tế thị trường và đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre luôn xác định muốn thực hiện thắng lợi “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015” và kế hoạch liên tịch giữa Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ năm 2013, thì công tác tuyên truyền vận động là một công tác vô cùng quan trọng. Nên từ đó ngay từ đầu năm hai bên đã lên kế hoạch và chỉ đạo cho Hội cấp dưới triển khai thực hiện. Từ đó các cấp Hội xây dựng kế hoạch và triển khai rộng khắp đến tận hội viên và nhân dân trong năm các cấp Hội đã tổ chức triển khai được 1.173 cuộc có 50.439 lượt người dự.

Ngoài ra, hai bên còn thường xuyên phối hợp phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học và công nghệ; nâng cao nhận thức cho nông dân về yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã tổ chức được 213 cuộc 1.231 người dự.

Trong năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống; Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành (trong đó có Hội Nông dân) tổ chức 13 lớp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương cho trên 623 lượt cán bộ quản lý, nhà doanh nghiệp và cán bộ Hội Nông dân. Nội dung bao gồm: Luật khoa học công nghệ; Các quy chế quản lý chương trình Đề tài, Dự án trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Quy định khen thưởng trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Phương hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2013; Hướng dẫn xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Trong năm qua, nhằm giúp cho bà con nông dân tiếp cận cũng như ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỷ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi hai ngành đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học tập và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, cụ thể như: Tổ chức được 168 lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật về trồng và chăm sóc bưởi da xanh, dừa dứa có 6.216 người dự; Tập huấn, tuyên truyền318 cuộc, với hơn 12.457 lượt nông dân tham dự. Với các nội dung như: Kỹ thuật nuôi: Nuôi gà, vịt sinh học; nuôi heo bằng nệm sinh học; kỹ thuật gieo tinh bò có chất lượng, kỹ thuật cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; Trồng và chăm sóc Dừa dứa; Trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản Bưởi da xanh, kỹ thuật trồng và chăm sóc cacao, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trị bệnh sượng trái trên cây sầu riêng.

Hoạt động phối hợp giữa Sở KH & CN với Hội Nông dân trong lĩnh vực triển khai các chương trình, đề tài, dự án khoa học và Công nghệ luôn chặt chẽ và thường xuyên. Trong năm qua, Hội đã tham gia thực hiện các dự án như:

- Cây lúa: Đã phối hợp tuyển chọn được 4 giống lúa (OM 9915, OM 9916, OM10636, OM 9921) có khả năng chịu mặn đến 4%0 năng suất khoảng 4-5 tấn/ha phù hợp vùng đất các huyện ven biển.

Tổ chức chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh trừ rầy nâu hại lúa kiểm soát được dịch rầy nâu, sâu cuốn lá đạt trên 80% và giảm chi phí sử dụng thuốc hóa học trên 700 ngàn đồng/ha.

- Cây ăn trái:

Phối hợp xây dựng mô hình và quy trình canh tác Sầu riêng cho 72 hộ hội viên, nông dân tham gia với diện tích 27,5ha, tỷ lệ sượng trái thấp (dưới 5% đối với giống Monthong, dưới 4% đối với Sầu riêng sữa hạt lép); chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm Chôm chôm Chợ Lách của công ty TNHH Chánh Thu và 36 hộ với diện tích 22,2447 ha; chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm bưởi da xanh thành phố Bến Tre có 38 hộ tham gia.

Xác định giai đoạn thu hoạch, bao bì, nhiệt độ bảo quản tối ưu và đề xuất một số giải pháp bảo quản chôm chôm sau thu hoạch.

- Cây mía:

Chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất mía có năng suất, chất lượng cao với với các giống mía mới: K88-200, K93-291, K95-84, LK92-11, KU00-1-58, SuphanBuri 7 và đã xây dựng mô hình trình diễn 30 ha, có năng suất quy đổi 10CCS đạt bình quân trên 120 tấn/ha.

- Cây cacao:

Khảo nghiệm ngưỡng chịu mặn các dòng ca cao tại tỉnh có thể sinh tưởng và phát triển tốt ở vùng có mức độ nhiễm mặn đến 4%. Đã xây dựng, vận hành và chứng nhận sự phù hợp với tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho sản phẩm cacao khoảng 50 ha tại xã Phú Đức và Quới Sơn huyện Châu Thành. Hỗ trợ kỹ thuật và quản lý lên men hạt ca cao, có quy trình sản xuất ra các hạt ca cao lên men với chất lượng đáp ứng được các nhà sản xuất ca cao lớn. Phát triển năng lực cơ sở đảm bảo chất lượng hạt ca cao để cung cấp các dịch vụ chất lượng ca cao cho nghành công nghiệp ca cao tại địa phương.

- Cây dừa dứa:

Vận động nhân rộng 200 ha dừa dứa tại tỉnh Bến Tre, cung câp 52.322 cây dừa giống cho 1083 hộ nông dân tham gia dự với 262 ha nhân rộng. Đồng thời đang thực hiện thử nghiệm một số biện pháp khắc phục hiện tượng dừa treo tỉnh Bến Tre.

- Chăn nuôi:

Đã thử nghiệm lai và đánh giá con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Angus và bò cái địa phương; nuôi dưỡng và theo dõi khả năng thích nghi giống gà lai F1 (gà đông Tảo x gà Tàu vàng địa phương).

- Thủy sản:

Phối hợp điều tra, khảo sát nguồn lợi Vọp tự nhiên tại 3 huyện ven biển, đã thử nghiệm thả nuôi Vọp trong ao đất và trong rừng ngập mặn và xây dựng được 2 mô hình ương và nuôi thương phẩm Vọp. Đã nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và đề xuất biện pháp hạn chế sự sống bám của vẹm Vàng trên ốc gạo.

Đạt được kết quả như trên là do có sự chỉ đạo thống nhất của Bộ KH&CN và TW Hội Nông dân Việt Nam, cụ thể là chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN với Hội Nông dân Việt Nam 2013. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Giữa Sở KH&CN với Hội Nông dân tỉnh trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến nông dân. Được sự hưởng ứng tích cục của cán bộ, hội viên va nâng dân trong việc tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nướcvề KH&CN cũng như sự ham thích học hỏi và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất của bà con nông dân./.