00:00 Số lượt truy cập: 2670020

Hiệu quả kinh tế sau dồn điền đổi thửa ở Vĩnh Đồng 

Được đăng : 03/11/2016

Nằm giữa trung tâm Mường Động - một trong bốn vựa lúa của Hoà Bình, xã Vĩnh Đồng (huyện Kim Bôi) có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do ruộng đất manh mún nên nhiều năm qua lợi thế trên không được khai thác triệt để, sản xuất chủ yếu là thuần nông, kinh tế hàng hoá chậm phát triển... Nhưng sau dồn điền đổi thửa, mọi việc đã khác.


Ông Bùi Đức Hoà, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Vĩnh Đồng có trên 960 hộ, hơn 4.300 khẩu, chia làm 12 xóm. Tổng diện tích đất canh tác 198ha, trong đó ruộng hai vụ 134ha, bình quân mỗi khẩu được chia 400m2 ruộng. Khi thực hiện giao đất khoán ruộng, những khu đồng tốt được chia đều cho các hộ với cách nghĩ “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”. Bình quân mỗi hộ có 10 - 15 thửa. Sự manh mún đó đã gây khó khăn cho sản xuất tập trung”.

Vụ chiêm xuân năm 2006 - 2007, ngay từ khi cây lúa mùa còn ngậm đòng, Vĩnh Đồng được huyện Kim Bôi chọn làm điểm về dồn điền đổi thửa. Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân, nhưng làm thế nào cho công bằng, hợp lý, hiệu quả cao? Xã thành lập Ban chỉ đạo, lập đề án, kế hoạch, Đảng uỷ quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên. Chi bộ, chính quyền xóm đưa đề án, kế hoạch ra họp để dân bàn tìm ra phương án tối ưu. Phương án được dân đồng tình cao là phân loại khu đồng, chia lô cho các hộ bốc thăm và vận động hộ tự nhận ruộng. Xã lấy xóm Dưới làm điểm để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, mọi việc không “xuôi chèo mát mái”. Khó khăn đã bộc lộ khi hệ thống công trình thuỷ lợi nội đồng chưa hoàn thiện, trên cùng một cánh đồng nhưng có khu chủ động được nước tưới, có khu lại khô hạn... Vì vậy, các hộ không muốn nhận ruộng nơi xa, khô hạn, ruộng xấu. Đảng uỷ, Ban chỉ đạo đã họp dân xóm Dưới, lắng nghe phản ánh, đề xuất ý kiến của dân, sau đó bổ sung phương án dồn điền đổi thửa. Đó là: dành một phần nhỏ diện tích ruộng để xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. Đảm bảo nước tưới chủ động cho các khu trên cùng một cánh đồng. Trong 3 loại ruộng: A, B, C (tốt, trung bình, xấu), gói thăm ruộng loại A 1.000m2 thì gói thăm ruộng loại B =1.200m2, loại C = 1.400m2. Sau khi bốc thăm nhận ruộng, các hộ có thể đổi cho nhau. Riêng gia đình chính sách được tự chọn khu đồng, chọn ruộng. Phương án trên được dân đồng tình, ủng hộ. Từ thực tế xóm Dưới, Vĩnh Đồng triển khai đồng loạt ra 11 xóm còn lại. Tiến độ dồn điền đổi thửa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, vượt kế hoạch gần một tháng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Văn Biện, Trưởng xóm Rù vui vẻ nói: “Vụ trước, khi chưa dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ ở xóm tôi có 10 - 15 mảnh ruộng. Ruộng bé, các xứ đồng lại cách xa nhau 1 - 2km nên rất khó đầu tư thâm canh. Một buổi cày cật lực chỉ được 1 - 2 thửa ruộng. Nay, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 mảnh ruộng nên thuận lợi trong canh tác. Ruộng một vụ không trồng lúa thì trồng ngô, dưa hấu, dưa chuột, bí đỏ... liền khoảnh nên tiện bảo vệ, chăm bón”.

Vụ chiêm xuân năm nay, vụ đầu tiên sau dồn điền đổi thửa, cơ cấu cây trồng trên đồng ruộng Vĩnh Đồng đã phong phú, đa dạng hơn các vụ trước. Chủ lực là cây lúa. Cây màu gồm dưa hấu 30ha, dưa chuột 10ha, bí xanh 10ha; ngoài ra còn ngô, lạc, bí đỏ, mía. Dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện cho các hộ tự chủ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đồng đất, thị trường. Đến các xóm, chúng tôi thấy nhiều mô hình sản suất sản phẩm nông nghiệp hàng hoá cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng /ha. Có hộ thu tới 30 - 40 triệu đồng /ha từ dưa hấu, mía. Vụ lúa chiêm xuân năm nay, Vĩnh Đồng dự tính năng suất đạt trên 55 tạ /ha.

Bài học dồn điền đổi thửa ở xã Vĩnh Đồng sẽ được huyện Kim Bôi nhân rộng ra các xã trong huyện.